Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Sự “coi thường” là tiền đề vũ khí

Hạ đình nguyên
20-3-20012

Nói dối, ai cũng biết, là một thói xấu.
Trong các xã hội văn minh, sự nói dối được xem là xấu nhất, là tối kỵ, vì nó khởi đầu cho mọi cái xấu. Nói dối được ngăn chận bởi sự theo dõi và phê phán của cộng đồng, và được hổ trợ bởi hệ thống luật pháp. Không nói dối là một tiêu chuẩn của nhân cách, đặc biệt đối với người có vai trò trong xã hội. Thậm chí, nó được ràng buộc thêm lời thề trước Đấng Tối cao của Tôn giáo mà người đó theo.
Đành rằng trong đời sống thường ngày, không ai tránh được hoàn toàn sự nói dối đôi khi xảy ra, trong ứng xử vặt vãnh của cuộc sống.  Dù vậy, trẻ con vẫn được người lớn dạy bảo không được nói dối.! Một xã hội tốt đẹp là một xã hội có ít sự nói dối.
         Nhưng sự nói dối có quy mô lớn, có hệ thống và kéo dài là một tội ác không thể tha thứ. Nó làm cho tàn hại cả một dân tộc, làm suy đồi một đất nước. Nó tác hại đến nhân cách, đến các giá trị tinh thần của nhiều thế hệ như một thứ gien di tuyền đột biến.
        Nói dối trong trường học là dạy cho lớp trẻ những thứ giáo điều không có thật, nó đưa ra những lát cắt, những trích đoạn của lịch sử bị bóp méo, nhằm phục vụ cho nhu cầu chính trị nhất thời, nó không dạy nền tảng đạo đức làm người, mà dạy làm chiến sĩ để phục vụ  chiến dịch trong bối cảnh không cần thiết, hay một mưu toan chính trị, như một thời Hồng vệ binh ở TQ. Đó là một tội ác với nhiều thế hệ. Từ lâu, những nước văn minh đã đưa chính trị ra khỏi trường học. Các học thuyết về xã hội, triết học, tôn giáo, kinh tế- chính trị đều được trình bày khách quan, để học sinh, sinh viên trau dồi kiến thức , thúc đẩy tư duy và sáng tạo, khuyến khích, nuôi dưỡng tinh thần phê phán, nhằm hướng đến tư duy về một xã hội tốt đẹp hơn, dân chủ hơn,  cho một loài người tiến bộ hơn, với các giá trị phổ quát như : hòa bình, bình đẳng, dân chủ, nhân phẩm, nhân quyền…, Thanh niên được tự do nghiên cứu và học hỏi. Nhờ đó mới có một thế giới như ngày hôm nay.  Áp đặt, nhồi sọ về bất cứ một học thuyết, một đường lối chính trị  nào trong giáo dục đều là sai lầm, đều là sản phẩm của độc tài, đưa đến lạc hậu. Vì thế, nó dứt khoát không thành công, vì bị chối bỏ bằng cách nầy hay cách khác !
      Nói dối trong văn hóa, là các hình thức nhân danh văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống, mà bản chất là lợi dụng văn hóa, nhằm mục đích kinh doanh thô thiển để kiếm tiền, không phát huy được các giá trị hay đẹp của truyền thống, không tôn tạo được đền đài di tích lịch sử, chỉ cố “bấu” vào quá khứ để “ăn”, như đã từng diễn ra. Các lễ hội ở Đền Hùng, Yên Tử, Chùa Hương…ngày càng nhếch nhác. “Hội sách” là một hình thái sinh hoạt phong phú của tinh thần xã hội, bị o ép, nén, bóp biến thành một  “hôi chợ”  theo cách đơn thuần bán mua như vừa xảy ra ở TP HCM. Ở Hà Nội thì đang diễn ra “ Vang vọng trống đồng - thiêng liêng Phù Vân Yên tử”, nhưng “vang vọng thiêng liêng” không thấy đâu, chỉ thấy tỏ lộ cách quây quần kinh doanh, chung quanh các nhân vật quyền lực. Các loại bằng khen, giấy khen đủ cở, các loại danh hiệu “tôn vinh” cho các doanh nghiệp, đều được mua bằng tiền, cùng với các hình thức quảng cáo mà cơ quan Nhà nước đứng danh nghĩa tổ chức nhập nhằng. Bằng cấp giả, dỏm đủ các cở có không ít trong cơ quan công quyền, từ đó lan ra xã hội.  Đó là những mùa bội thu liên tục, đầy hoa  trái sum suê  của sự nói dối dài ngày và có hệ thống
Bằng cấp giả


Các hoạt động văn hóa đều đang bị bốc mùi từ nhiều năm qua và hiện nay, không ai không nhìn thấy !  Vì không có đối thoại và không cho giao lưu văn hóa, nên bộ máy an ninh phải trực diện đối đầu với các sinh hoạt của dân chúng, thay chức năng của cơ quan “Văn hóa Thông tin” đang bận lo xét cấp giấy phép Karaoke, các chương trình văn nghệ vô thưởng , vô phạt. ..“Café thứ 7”, Quán “Ami” Khu du lịch Văn Thánh  một loại hình sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật lành mạnh và hữu ích cho quần chúng đã bị ngăn cấm, đóng cửa… bằng nhiều cách thiếu minh bạch .  Sự khinh rẻ không thể không xảy ra và lan tỏa.
     Nói dối trong bộ máy công quyền - Bản chất của nói dối là tham nhũng. Nói dối là để tham nhũng.  Muốn thực hiện được tham nhũng phải sử dụng sự nói dối. Tham nhũng nhiều thì nói dối phải có hệ thống, và cả thủ thuật nữa. “ Đất đai là sở hửu của toàn dân” là một kiểu nói dối có hệ thống, mở đường cho trộm và cướp, và trộm cướp được che chở, bảo vệ bởi hệ thống nói dối. Nói dối có hệ thống và hoành tráng nhất là cụm từ “chủ nghĩa xã hội”. Chủ nghĩa xã hội là một loại “quy hoạch treo” về tư tưởng, là một loại đồ án bất khả thi, chưa từng được thực hiện ở bất cứ đâu trên thế giới, ngay cả ở Việt Nam và TQ hôm nay. Nó được vẻ ra và vẫn treo lơ lững trên các bảng hiệu hơn nửa thế kỷ qua.  Nó bắt mọi người phải tôn trọng và chiêm ngưỡng. Nó là một “mật mã bí hiểm”, một  loại “thần chú”, dùng để biện minh cho tất cả mọi thứ bất công, thối nát, lủng củng và lạc hậu. Lý luận của nó có tính chất khủng bố về tư duy của người bình dân, làm quẫn chân người lương thiện. Nó đích thực là một tấm lưới kỷ thuật trá hình, trùm lên toàn bộ đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân. Nó không được chế tạo bằng thép cứng, mà bằng một loại nhựa cực kỳ dẻo dai, có tính ảo thuật và độ đàn hồi cao, linh hoạt thích ứng, nhún nhường cương nhu …Trong đó,  bạo lực đan xen với “vỗ về”, siết chặc, theo độ phồng lên và xẹp xuống của mỗi sự kiện. Đó là một bộ máy quyền lực vận hành vắng bóng nhân văn.
 Ông TBT Nguyễn Phú Trọng nói : “Sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...” trong Đảng, còn gì nữa ! như thế là đủ rồi, từ đầu đến chân, cả lục phủ ngủ tạng ! Bệnh tình đã phát tán, đã di căn, đó là một thực tế đang được thừa nhận. Đảng bị rối loạn vì cái “quy hoạch treo” nói trên, mà sinh ra chứng bịnh nầy. “Đảng ta đã suy giảm sức chiến đấu” là chiến đấu với nhân dân, hay
với kẻ thù nào ? hay chiến đấu với chính sự thoái hóa, tham nhũng, lòng tham quyền và lợi ?  Ông Tập Cận Bình của TQ cũng nói gần giống ông NPT, nhưng về từ ngữ có thẳng thớm hơn. Thay vì niềm tin của nhân dân “bị xói mòn” rỉ rả ở VN, thì ở TQ rõ ràng khẳng định : “mất uy tín trong nhân dân, làm nhân dân thất vọng”. Thay vì mơ hồ được mất :“sự tồn vong của Đảng và Chế độ” ở VN, thì ở TQ thẳng thừng bộc lộ: “Đảng là nơi tập trung thành phần giá áo túi cơm”,  “Đảng CS (TQ) đã biến thành nơi chia chác chốn đình chung” . Về biện pháp ở VN, thì “tự giác”,“tự phê bình”,“tự rèn luyện” giống phương thức của kẻ tu hành,  còn ở TQ thì dao búa : “Thanh lọc hàng ngũ một cách cương quyết, khai trừ những phần tử thoái hóa nghiêm trọng”.  Đại thể là giống nhau về bản chất, tuy ngôn ngữ có chênh lệch về độ bóng bẩy !  Cái gì là nguồn gốc về sự giống nhau của hai Đảng ? Nguồn gốc đó chính là sự không có mặt của nhân dân, không có tiếng nói của nhân dân, tóm lại, không có dân chủ !.  Dù Tập Cận Bình có đao to búa lớn thế nào, cũng chỉ để “ thịt” lẫn nhau thôi, vẫn nhân danh các thứ và nói dối.  Không có cải tổ thật sự. cũng không có chỉnh đốn thật sự, chừng nào nhân dân còn bị coi rẻ, bị gạt ra bên lề. Các quan đầu Tỉnh và các “Cán bộ” thôi đừng sử dụng nữa các từ “giáo dục nhân dân”, “giáo dục quần chúng”, trong khi bản thân mình thì không ngừng “tự kiểm điểm”, “rút kinh nghiệm”, “rút ra bài học” và học mãi, bồi dưỡng mãi gây quá nhiều lãng phí  trên lưng của người dân nhễ nhại mồ hôi và thuế má. Vả lại, cũng đã suy thoái nhiều rồi, thì còn dạy ai được và dạy được ai ! Đạo đức,lối sống của cán bộ, đảng viên bị thoái hóa chỉ là hệ quả. Sự thoái hóa của từng con người và nhiều con người, không giữ vai trò là tác nhân chính làm suy đồi hệ thống. Vấn đề, chính là bản thân hệ thống, hệ thống đó không thật. Hệ thống tốt, sẽ có cán bộ tốt. Hệ thống không tốt, cán bộ bị trở thành xấu. Nhân dân có thể tắm rửa cho, bằng loại nước có tên là dân chủ ! .21 triệu Đảng viên Liên Xô không thể sống mãi trong sự nói dối, hơn nửa thế kỷ chịu đựng trong chết chóc, đày ài, phẫn uất, và cuối cùng, họ đã quay lưng lại cái xấu, là hệ thống đó. Họ đã vượt cạn và sản sinh ra một thể chế mới. Thể chế đó từ biệt vĩnh viễn quá khứ đen tối và đang tốt dần lên. Có luận điểm cho rằng Liên Xô đã thất bại. Đúng thế, nhưng nhân dân Nga và nhân dân các nước Đông Âu đã thành công. Hệ thống độc tài “quy hoạch treo xhcn” đã thất bại.!
Trong mọi sinh hoạt xã hội, Nhà nước, tức là Đảng, giữ vai trò chủ đạo, thì trong đạo đức, lối sống, chẳng lẽ nhân dân làm suy thoái cán bộ, đảng viên được sao ?, bên TQ, chẳng lẽ nào nhân dân Trung Hoa  làm suy đồi, thoái hóa đảng CSTQ ? Nhân dân đã là nạn nhân thì làm sao thành kẻ chủ mưu ?  Chính cái loại  “tư tưởng chính trị” ba rọi, lắp ghép, chắp vá quàng xiêng, … vốn là toàn bộ hệ thống nói dối, đã là nguyên nhân lớn nhất, làm nên sự suy thoái thảm hại và giống nhau nầy.!  Đã thế, TBT Nguyễn Phú Trọng còn nói : “ Bạn đã khuyên ta…”. Từ “bạn” sao mà thân mật !, từ “đã khuyên ta” trân trọng biết bao !  Khuyên ta gì ? Khuyên ta đừng để bị “ Âu hóa”, “Tây hóa”, “Thoái hóa”, vậy thì là “Hán hóa”, “Tàu hóa “ chăng ?. Khuyên ta gì ? Khuyên ta cảnh giác “nguy cơ diễn biến hòa bình”, ám chỉ âm mưu từ phương Tây. Chẳng phải đã và đang diễn biến từ phương Bắc đó sao ?!  Chỉ đường chỉ đạo thế nầy, con dân biết lê bước đi đâu, trong thời đại gọi là hội nhập, toàn cầu hóa ? Phương châm “ làm bạn với bốn phương” như thế, nay còn lại mấy phương ? Người dân hiểu đúng ý của TBT :” sự tồn vong của Đảng và Chế độ”, chứ không liên quan đến nhân dân. Vậy, phương nào cho Đảng, phương nào cho Nhân Dân ?  Và phương nào là Tổ Quốc cho 64 Linh Hồn chiến sĩ đang ở Biển Đông ?
Nhân dân và các thế hệ thanh niên sẽ tự trả lời và tìm hướng đi cho dân tộc. Và tự hỏi : Tại sao ( và ai ?) còn trung thành, tin cậy những lời khuyên kia, chưa quá đủ rồi sao ?  Nhân dân VN  không thể nào” quên” được những lời khuyên đẫm máu của bọn chúng về Cải Cách Ruộng Đất man rợ thiếu tính người 1955, về sự trân tráo chiếm đóng Hoàng Sa 1974, về “bài dạy” hổn láo của Đặng Tiểu Bình với cuộc xâm lược 1979, về vụ cướp cạn đảo Gạc ma-Trường sa 1988, về sự ngoan cố Biển Đông với đường lưỡi bò chín khúc đang diễn ra mỗi ngày, về trấn lột, bắn giết ngư dân Hoàng sa, chiếm ngư trường,  và bao nhiêu chuyện ở đất liền, ở biên giới, ở bô-xit Tây nguyên Không ai có thể “khuyên dạy” nhân dân VN “nghe lời khuyên” của bọn chúng. Không thể chỉ vì cái “quy hoạch treo” vẩn vơ kia mà dân tộc phải cúi mình chịu nhục, chịu mất nước.!  Sự tồn vong mà TBT nên lo lắng, chính là ở đây !
“Hãy tỉnh táo để thoát ra khỏi cõi u mê của sự hoang tưởng trong mối quan hệ với Trung Quốc” [ là câu trong bài hồi ký rất cảm động của nữ KTS Nguyễn Thanh Vân đã từng ở TQ, từng trãi qua CCRĐ(VN), CMVH(TQ), đau đáu một đời hãi hùng  với ấn tượng không thể nào quên về một TQ lúc bấy giờ và ngay bây giờ.]
       Sự nói dối dài hơi và toàn diện của bộ máy quản lý đất nước có hệ quả tất yếu, trước hết, là sự không tin tưởng, là sự khinh rẻ, coi thường của nhân dân, tức là không tôn trọng, không kính nể, không thiện cảm, không tin cậy nhà cầm quyền …và những con người đại diện nó, dù lớn hay nhỏ,  đều là biểu trưng khái niệm  không giá trị trong con mắt chung của người dân. Điều đó không nguy hiểm cho sự ổn định xã hội hay sao ? Tuy nhiên, người dân vẫn tôn trọng luật pháp, tôn trọng đời sống xã hội, và các giá trị đạo đức, đồng thời vẫn mong muốn sự bình yên của một lịch sử dân tộc đã qua nhiều truân chuyên. Việt Nam, một dân tộc có nhiều trãi nghiệm, không ngừng chiến đấu, nhưng cũng không ngừng tiếp cận với văn minh, văn hóa thời đại , yêu chuộng hòa bình, là một dân tộc hiểu biết. Khi bị dồn tới bước đường cùng, trạng thái khinh rẻ sẽ là bước khởi đầu của vũ khí, nói cách khác, đó cũng chính là một loại vũ khí tinh thần của người không có vũ khí trong tay. Chắc hẳn, ông Đoàn Văn Vươn, đã trải qua trạng thái khinh rẻ nầy trước khi ông bấm cò súng “hoa cải”. Và ông ta cũng biết, ông chẳng thể “thắng” ai với cái vũ khí trò chơi đó. Ông biết kết cuộc là thế nào.  Mà ông vẫn làm, bình tĩnh làm, cặm cụi mai phục.!  Nhưng về mặt tinh thần, thì ông là người thắng, cho dù có là “phép thắng lợi tinh thần” của A.Q.đi nữa, .(1), mặc cho thân xác bị giam cầm, hẳn là ông cũng biết trước. Người dân dự đoán, các ông Quan sẽ trả thù, vì chuyện mất ăn, vì uy quyền bị xúc chạm.. Một khi cái uy, cái tín không còn thì xã hội khó ổn định.
 Lịch sử còn ghi chuyện Triều Nhà Nguyễn tử hình Cao Bá Quát, trước khi đưa cổ vào máy chém, ông quăng vào mặt Triều đình mấy câu thơ, xem cái chết như chuyện  đùa: “ Ba hồi trống dục, đù cha kiếp. Một nhát gươm đưa, đéo mẹ đời ”
Trước thái độ bất cần, nghiệt ngã đó của Cao Bá Quát, hẳn là ông vua Tự Đức không vui mấy, vì ông cảm thấy không thắng lợi, dù là “phép thắng lợi tinh thần” cùa A.Q
Liệt sĩ Nguyễn Thái Học -- dù lịch sử thời nay không vinh danh (2 )—dõng dạc nói với Quốc dân đồng bào, khi bước lên Đoạn Đầu Đài của giặc Pháp :“Dù tôi không thành công,  nhưng tôi đã thành nhân ”!  Sự thành nhân không hề kém giá trị hơn sự thành công. Mà sự thành công theo cách nào đó thì không phải là thành nhân, có khi thành thú !  Cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của VN thành công là kết tụ của vô số sự thành nhân của đồng bào, chiến sĩ.
 Năm ngoái có cú “ đạp vào mặt” (người biểu tình) thành công, thì năm nay lại có cú “bị ở tùthành nhân vậy.!
Sự nói dối là xấu nhất. ! Sự khinh rẻ là hệ quả, là vũ khí khởi đầu của tinh thần đấu tranh đòi công lý, tự do và bình đẳng.

H.Đ.N

(      (1)   “A.Q. chính truyện” của nhà văn Lỗ Tấn, TQ
(2)   Thầy giáo, Đảng trưởng QDĐ, theo thuyết “ tam dân chủ nghĩa”, chống thực dân Pháp, bị bắt đưa lên Đoạn Đầu Đài ở Yên Bái, ông nói với đồng bào, câu nói lưu danh sử sách : “Dù tôi không thành công, nhưng tôi đã thành nhân”. Về sau, ông HCM đáp lại, ý : “dân tộc cần thành công, chứ không cần thành nhân”, là muốn ngăn ngừa chủ nghĩa cá nhân phát triển trong cuộc kháng chiến. Tuy nhiên,ý tưởng nầy, đối với trường hợp NTH là không thích đáng. Câu nói của ông NTH là một khí phách, có sức cỗ vũ sâu sắc, khơi dậy ý thức làm người trong nhân dân, chống nô lệ và áp bức, phù hợp với nhu cầu thời đại,  không liên quan tới chủ nghĩa anh hùng cá nhân. Sự liên hệ có tính ám chỉ nầy, nếu có, là không sòng phẳng với lịch sử ( ý của người viết).


 (bản gốc của tác giả)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét