Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

SÁM HỐI, TỈNH NGỘ - THẬT KHÓ HY VỌNG


Tại Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, ngày  27-2, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích: …“Đảng đã chỉ đạo nhiều cuộc vận động đổi mới, chỉnh đốn Đảng nhưng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, chưa ngăn chặn, đẩy lùi được. Đó chính là do nguyên nhân chủ quan, do lỗi của chúng ta; do sự yếu kém, thiếu kiên quyết trong công tác giáo dục, lãnh đạo, quản lý; do sự thiếu rèn luyện, tu dưỡng, thực hành liêm chính của một số cán bộ, đảng viên; sự thiếu gương mẫu của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Suy đến cùng là do không vượt qua được chủ nghĩa cá nhân. Bác Hồ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù hung ác, là giặc nội xâm, nó không mang gươm, mang súng nhưng vô cùng nguy hiểm, gian giảo, xảo quyệt; nó kéo người ta xuống dốc không phanh”.
Và Tổng Bí thư cũng thẳng thắn yêu cầu: “Từng cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải tự giác, gương mẫu làm trước (ngay sau Hội nghị này, không phải chờ gì cả) tự kiểm điểm, soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình”.
Nếu như cái gọi là “tự kiểm điểm, soi lại mình” được thì lại là quá dễ, quá tuyệt với, nhàn hạ cho cả tổ chức Đảng và nhân dân. Nhưng nói như vậy, còn như kêu gọi tính tự giác, tự cải biến, tự giác kê khai trung thực tài sản do tham nhũng, đặc quyền đặc lợi mà đã có được thì vô cùng khó. Suy cho cùng, đó chưa phải là biện pháp hy vọng đạt được hữu hiệu gì đáng kể. Tư tưởng con người diễn biến phức tạp hơn cả vần xoay của vũ trụ mênh mông, đâu phải chỉ vài lời kêu gọi, hay một sự cải huấn, giáo dưỡng nào đó mà dễ dàng chuyển biến tư tưởng, nhận thức, động cơ sống của con người nhanh như đang mưa chuyển nắng. Khó lắm, nghe thì có lý, nên như thế là tốt nhất, nhưng lại bị rơi vào siêu thực, không khéo cũng là cái phương sách còn nặng về duy ý chí. Nghe về “phương pháp tư tưởng” như thế, tôi lại nhớ đến một truyện ngắn muốn khẳng định cái tài làm công tác tư tưởng, dựng lên một điển hình siêu thực. Đó là truyện ngắn “Nỗi day dứt của một đại tá tỉnh trưởng ngụy” của nhà văn Nguyễn Công Hoan. 
Nhà văn Nguyễn Công Hoan sinh năm 1903, mất năm 1977, thọ 74 tuổi. Mười chín năm sau khi ông ra đi, Nhà nước đã tặng ông Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn nhọc nghệ thuật. Trong kho tàng hơn 200 truyện ngắn và gần 30 truyện dài của ông, có một truyện ngắn là “Nỗi day dứt của một đại tá tỉnh trưởng nguỵ quyền”, viết năm 1976. Nhà văn Nhật Tuấn đã bình truyện ngắn này như sau:
       (-) … Vốn sống của nhà văn Nguyễn công Hoan lại càng…kinh dị hơn. Ông đại tá này ở lớp cải tạo, mà theo như miêu tả của nhà văn Nguyễn Công Hoan như sau:
…“Học đến bài thứ bảy, anh ta càng thấy sỉ nhục về cái tội làm tay sai cho đế quốc Mỹ xâm lược”. Nỗi xấu hổ này làm ông mất ngủ, ít nói, ít cười…vắt tay lên trán, thở dài thườn thượt…Thế rồi không chịu nổi nỗi ăn năn, ông ta phải gặp cán bộ để thổ lộ: “Tôi biết là bọn Mỹ-Nguỵ đã đào tạo khiến chúng tôi không còn là người , nhưng cách mạng giáo dục để chúng tôi trở lại thành người. Tôi vô cùng cảm ơn cách mạng…” Ông đại tá lại thú nhận: “Hồi tôi làm tỉnh trưởng tỉnh XX, thì trong những ngày cách mạng đến giải phóng thị xã, tôi và anh Xiêm (cũng học lớp cải huấn này) …đã lấy hết công quỹ gồm 13 triệu đồng”. Nay xin “ lập công chuộc tội” với cách mạng”…Ông đại tá đề nghị: “Lấy uy thế tỉnh trưởng, tôi chỉ chia cho Xiêm 5 triệu, tôi giữ 8 triệu. Tám triệu không nuôi sống đời tôi nhưng giữ nó, tôi bị day dứt suốt đời. Tôi cần rũ sạch vết  nhơ, vết ô nhục ấy …tôi xin phép được hiến cho chính phủ số tiền 8 triệu đồng …” Cán bộ còn đang tuyên dương tinh thần “giác ngộ cách mạng qua học tập” thì chợt nghe tiếng gõ cửa cạch cạch . Ai thế ? Tưởng ai hoá ra anh Xiêm, đồng sự với ông đại tá, cũng tìm tới cán bộ để xin nộp lại 5 triệu kẻo nó thành vết nhơ ở trong lòng”…
            Nhà văn Nhật Tuấn muốn bình phẩm về tính hiện thực khi xây dựng tính cách nhân vật ông đại tá ngụy, “kinh dị” ở chỗ mới học cải huấn được bày bài mà đã thức tỉnh, tốt hẳn lên quá nhanh đến mức giật mình. Và ngòi bút hiện thực phê phán của nhà văn Nguyễn Công Hoan có chuẩn được hinghiệp chướng Ở đây chưa bàn đến tính hiện thực khi xây dựng tính cách nhân vật ông đại tá ngụy mới chỉ học được bảy bài giáo huấn của cách mạng mà đã thức tỉnh nhanh đến giật mình. Và ngòi bút của nhà văn hiện thực phê phán Nguyễn Công Hoan đạt chuẩn hiện thực được bao nhiêu? Chỉ xin qua câu chuyện này, luận về giác ngộ và tính trung thực. Và đi sâu hơn về góc độ này theo đạo Phật là sự sám hối, tỉnh ngộ, được thức tỉnh. Trong đạo Phật, mỗi khi lạy sám hối thì sẽ được tiêu tan. Khi làm một điều gì, thiết nghĩ, người Phật tử chúng ta cũng nên tìm hiểu kỹ càng qua việc làm đó. Có thế, thì chúng ta mới có thể tránh được những tai hại bất lợi cho mình trong hiện tại cũng như mai sau. Như Phật tử đã biết, lạy sám hối, là một trong nhiều pháp môn Phật dạy. Đã là pháp môn, nếu chúng ta chịu khó hành trì đúng pháp, tất nhiên là chúng ta sẽ được lợi ích rất lớn. Sám hối như thế nào mới đúng pháp và tiêu tội chướng? Đó là những vấn đề mà chúng ta cần phải tìm hiểu. Sám hối, nguyên tiếng Phạn là samma, Trung Hoa dịch là hối hóa. Ghép tiếng Phạn với tiếng gôc Hán gọi chung là liệu pháp sám hối. “Sám” tức là ăn năn những cái lỗi trước, còn “hối” là chừa, là từ bỏ lỗi sau. Nói gọn là biết ăn năn, hối cải, từ bỏ lỗi lầm, hoàn tâm sinh thiện. Trong “Kinh thường” nêu ra bốn cách sám hối là: Tác pháp sám hối; thủ tướng sám hối; hồng danh sám hối và vô sanh sám hối. 

 

Tác pháp sám hối là phải lập giới đàn cung thỉnh thanh tịnh, khi lầm lỡ gây tạo tội lỗi phải lập đàn tràng, thỉnh các vị cao Tăng thanh tịnh đến chứng minh, chú nguyện. Nhưng điều chủ yếu là mình phải thành thật bày tỏ tất cả tội lỗi của mình một cách thành khẩn, chí tâm ăn năn và nguyện về sau không tái phạm nữa. Nhờ mình một lòng thành khẩn sám hối như vậy, cộng vào đó là nhờ sự chú nguyện chứng minh của thanh tịnh Tăng khiến tâm tư được thanh tịnh, giới thể thanh tịnh, tức là đã hết tội.
Thủ tướng sám hối là phương pháp sám hối thuộc về quán tưởng, đảnh lễ Phật với tâm thành, có chí tự quyết đập tan bản ngã của mình, cần phải rèn luyện cho mình một đức Nhẫn, bình tĩnh sáng suốt và nuôi dưỡng cho mình một đức tính khiêm hạ, không tự cao tự đại. Thủ tướng sám hối là thực hành phương pháp đảnh lễ Phật với tâm thành kính, nguyện dẹp trừ tâm cống cao ngã mạn mà nuôi lớn đức tính nhẫn nhục khiêm nhường. Thủ tướng sám hối đòi hỏi trước hết phải có long tự trọng xuất phát từ nhân tâm, lại phải tự chủ, có chí khí, bản lĩnh, dẹp bỏ tham-sân-si  thì mới có thể mong sám hối được. Tham là tham lam, muốn đoạt lấy sở hữu của người khác. Sân là sân hận, hận thù muốn giết mọi người, muốn diệt người bịt khẩu, muốn đẩy người tốt xuống vực để tránh tội. Si là ngu dốt . Người biết tu tâm dưỡng đức phải tự mình diệt tân gốc rễ 3 thứ độc hại này vì chúng làm khổ cho bản thân mình và làm khổ cho mọi người khác.
 Hồng danh là danh thơm, danh đẹp, sáng danh. Hồng danh sám hối là mình trì niệm danh hiệu Phật một lòng cầu xin sám hối thì những tâm niệm xấu xa mê lầm trước kia liền tan biến khiến tâm tư được thanh tịnh, an lạc giải thoát. Làm quan là đạt được danh thơm, cần phải sống sao cho xứng danh, tự biết làm cho sáng danh,  nhưng ngược lại đã vướng vào suy thoái, biến chất, tự làm ô danh thì cần phải sớm mà lo hồng danh sám hối. Lễ đương nhiên từ xa xưa ở đời phải như vây mới đùng đạo làm người.
           Vô sanh sám hối là phương pháp siêu việt nhất vượt qua tất cả khái niệm trừu tượng, đi thẳng vào tâm nên gọi là Vô Sanh. Pháp này thuộc về LÝ SÁM HỐI, sám hối đi vào chiều sâu tâm can,  nên rất cao và khó, chỉ có bậc thượng căn mới có thể hành trì. Vô sanh sám hối nghĩa là phát hiện được lòng ngay trong tâm niệm, khi tham mình nhận được đó là tham, khi sân biết rằng ta đang sân liền trừ diệt… Đồng thời ta luôn nuôi dưỡng những ý tưởng tốt đẹp để tâm xằng bậy bất thiện không còn có dịp phát khởi. Cuối cùng, tâm niệm thiện ác đều vắng bặt mới hoàn toàn đúng nghĩa Vô sanh sám hối. Vô sanh sám hối có hai cách sám là quán tâm vô sanh, quan sát tự tâm mình hiện tiền không sanh. 

 
Trong Kinh Phật có câu: Tội từ tâm khởi đem tâm sám / Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu / Tội tiêu tâm tịnh thảy đều không / Thế mới thật là chơn sám hối. Tất cả tội lỗi đều phát xuất từ tâm. Một người bị tâm niệm tham xúi dục muốn lấy của người khác làm sở hữu của mình. Điều này xuất phát từ lòng tham. Một người bị tâm niệm sân chi phối, làm chủ gặp việc trái ý liền đùng đùng nổi giận mà quên mất mình đã và đang làm gì. Đây là xuất phát từ lửa sân “Một đốm lửa sân đốt cháy cả rừng công đức”. Cách thứ hai là quán pháp vô sanh là quán thật tướng các pháp không sanh. Nói thật tướng ở đây là chỉ tướng ấy không sanh, không diệt, không hư dối, thay đổi, chuyển dời suốt xưa nay nên gọi là thật tướng. Khi nhận thấy thật tướng rồi thì các giả tướng không còn. Lúc bấy giờ những tội lỗi (giả tướng) kia không còn, không còn gá nương vào đâu mà tồn tại. Trong Kinh Quán Phổ Hiền có ghi: “Muốn sám hối phải quán thật tướng  các pháp, thì tội mới hoàn toàn tiêu diệt”.
          Từ khi còn tuổi trẻ, hăng hái, khi phấn đấu để được kết nạp Đảng, ai cũng thề bồi ngon lành, nghiêm trang trước cờ Đảng, bàn thờ Tổ quốc, trước đồng chí mình. Lại năm nào cùng tập huấn, học nghị quyết, học chuyên đề về lý luận và tư tưởng không biết bao nhiêu lần. Mấy năm qua đảng viên nào cũng đã tham dự các lớp trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Thế mà “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên có chức có quyền vẫn chưa thấm  được bao nhiêu. Nhà văn Nguyễn Công Hoan ca ngợi cái tài dạy về tư tưởng, luyện tinh thấn, cái tài  cảm hóa làm chuyển nhanh một đại tá tỉnh trưởng ngụy đến mức như thế. Vậy nay những người tài, những bài hay như thế lặn tăm đâu hết rồi hay sao? Nhà văn Nhật Tuấn nhận diện tác phẩm để đưa ra sự phi lý, siêu thực như trên cũng đúng quy luật và thực tế. Tóm lại, giáo lý Phật pháp cũng như một số đạo giáo khác từ lâu nay vẫn răn dạy đường ngay lối thẳng, đề cao chữ TÂM, nhưng từ giáo huấn đi đến hành đạo, từ hành đạo đạt tới chân-thiện-mỹ khó lắm. Phải khẳng định là vô cùng khó. Chỉnh Đảng lần này mà lại mất nhiều thì giờ vào tuyên truyền, giáo dục, hô hào tính tự giác, thì nên xem có hoang tưởng, chỉ là đưa ra thứ “bánh vẽ” mà thôi. Tôi tán thành với phân tích của tác giả Nguyễn Thúy Hoàn viết trong bài “Đã đủ  nghiêm khắc?” đăng trên tạp chí Xây dựng Đảng Online - (+ bấm vào đây) - bình phẩm, nhận xét về việc kỷ luật ông Cao Minh Quang và ông Lữ Ngọc Cư: “Người có tính sĩ diện cao thường “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”. Nếu “xấu xa” không những không được cấp trên “đậy lại” mà công khai “phô ra”, chắc chắn có tác động giáo dục mạnh hơn nhiều bài giảng hay về rèn luyện tư cách đảng viên, phẩm chất đạo đức, năng lực, bản lĩnh chính trị.  Tuy nhiên, nêu đích danh chưa đủ sức giáo dục và răn đe mà quan trọng hơn là hình thức kỷ luật phải tương xứng với những vi phạm.
            Kết luận, bài viết nêu đề xuất chân tình và xác đáng: Cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục chờ xem các đồng chí Cao Minh Quang và Lữ Ngọc Cư sẽ tiếp tục được xử lý về mặt chính quyền ra sao. Hy vọng kết quả xử lý sẽ tương xứng với mức độ vi phạm, đủ độ nghiêm khắc, đủ sức cảnh tỉnh để cán bộ, đảng viên và nhân dân tin rằng Nghị quyết Trung ương 4 sẽ được thực thi thắng lợi bằng những việc làm cụ thể, nghiêm khắc, ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực nhằm xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, Đảng chỉ gồm những đảng viên ưu tú, tiên phong, gương mẫu, thực sự vì hạnh phúc của dân, như thuở đầu dựng nước Việt Nam - dân chủ - cộng hòa. Chỉ có thế vai trò lãnh đạo của Đảng mới được khẳng định, giữ vững”. 
                    Mong sao, trong hiện trạng cần thiết và cấp bách chỉnh đốn Đảng với chí kiên quyết, và mạnh bạo như lần này, cần phải làm nhanh, không chầm chừ, cần làm một cách chính xác, nghiêm minh, giữ vững nguyên tắc, Điều lệ Đảng và thực sự thể hiện nghiêm minh, chuẩn mực của Nhà nước pháp quyền. Như trên đã nói, kêu gọi, trông chờ vào sự tự giác sám hối, giác ngộ, tự thức tỉnh, tự biết hối cải thì sẽ gặp chính ngay sự trơ lỳ tất yếu từ trong bản chất con người, thà mất chức, chứ kiên quyết không để mất quyền lợi đã vơ được từ nhiều năm bằng nhiều thủ đoạn. Cho nên, lúc này kêu gọi sám hối, khó lắm thay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét