Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

EVN độc quyền: Người dân gánh chịu!

(VnMedia) - Hiện đang độc quyền 100% ở khâu truyền tải, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) dường như có quá nhiều lợi thế trong việc tính toán và đưa ra mức giá bán cho người dân, bởi việc tăng giá bán điện vẫn chủ yếu do EVN xây dựng.
>> Mập mờ thời điểm tăng giá điện
Cụm từ “tăng giá điện” dường như đã trở nên quá quên thuộc đối với nhiều người trong thời gian trở lại đây, tuy nhiên bên cạnh vấn đề này thì hiện nay ngành điện còn quá nhiều vấn đề bấp cập cần giải quyết. Bởi theo các chuyên gia, với vị thế độc quyền hiện nay của EVN, nếu không có lộ trình rõ ràng và chi phí không minh bạch kết quả sản xuất kinh doanh điện như vừa qua thì còn gây ra các hiệu ứng tiêu cực và phản ứng xã hội.

Vẫn còn nhiều bất cập tồn tại

Liên tục đưa ra kiến nghị tăng giá để bù đắp chi phí, do hiện ngành điện đang gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên đằng sau câu chuyện tăng giá, thì hiện nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, EVN đang có quá nhiều bất cập cần giải quyết, khi mà Tập đoàn này vẫn còn đang độc quyền cả 3 khâu (phát điện, truyền tải điện và phân phối điện) và việc tăng giá bán điện cũng chủ yếu do EVN xây dựng.

Theo đó, ở khâu sản xuất, mặc dù theo lộ trình từ năm 2005 đến năm 2014 là chủ trương phát triển thị trường phát điện cạnh tranh, nhưng cho đến nay EVN vẫn chiếm vị trí chi phối (chiếm khoảng 70% tổng sản lượng điện sản xuất).

Còn ở khâu truyền tải, EVN độc quyền 100%, tức là EVN vừa độc quyền mua (với tư cách là người mua duy nhất mua điện từ các nhà sản xuất khác trong đó có EVN) và độc quyền bán (với tư cách là bán điện cho các nhà phân phối). Trong khi điện là sản phẩm đặc biệt không thể dự trữ, tồn kho được thì khâu truyền tải đặc biệt quan trọng.

Ông Vũ Xuân Thuyên, chuyên gia cao cấp Bộ Kế hoạch - đầu tư cho rằng, vấn đề mấu chốt gây nhiều tranh cải từ trước đến nay của ngành điện vẫn là sự độc quyền. Điều này được thể hiện ở việc EVN độc quyền cả 3 khâu (phát điện, truyền tải điện và phân phối điện) và việc tăng giá bán điện cũng chủ yếu do EVN xây dựng. Đặc biệt, EVN thiếu vốn để đầu tư và lỗ trong kinh doanh ngoài ngành kinh doanh chính thì lại đề nghị tăng giá điện là điều bất hợp lý.

Cũng theo ông Thuyên, Quyết định 24/2011 của Chính phủ về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường đã đưa ra một tín hiệu rõ ràng về mở cửa thị trường điện. Tuy nhiên đằng sau vấn đề này lại xuất hiện những điều bất cập cần phải ra soát lại.

Ảnh minh họa
Hiện giá điện chỉ tăng mà không giảm

Theo giải thích của ông Thuyên, Quyết định 24 về điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường chỉ có lợi cho EVN. Bởi vì, EVN mua điện của nhà đầu tư theo hợp đồng khoảng 4,95 cent/kWh. Khi EVN tăng giá bán, việc nhà đầu tư sẽ được hưởng bao nhiêu trong 5% tăng giá thì chưa được đề cập. Giá điện có thể tăng lên 10 cent, trong khi giá điện mà EVN mua vào chưa đến 5 cent…

Nhận định về những bất cập của ngành điện, TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế-xã hội Hà Nội cho rằng, ngành điện hiện đang có quá nhiều nghịch lý và bất cập. Trong đó, nghịch lý lớn nhất của ngành điện là giá điện luôn chỉ có một chiều tăng lên, bất chấp những trồi sụt giá cả trên thị trường trong và ngoài nước. Cùng với đó, doanh nghiệp đòi áp dụng giá thị trường trong khi chưa có cạnh tranh đầy đủ trên thị trường.

Ngoài ra, một nghịch lý cũng đáng chú ý đó là cả nước thiếu điện nhưng một số nhà sản xuất điện tư nhân lại không được ký hợp đồng bán điện với EVN với lý do dây dẫn quá tải, không đủ sức tải lên mạng lưới quốc gia.

Cần xử lý ngay nghịch lý của ngành điện

Theo TS Nguyễn Minh Phong, để góp phần giải bài toán điện theo nguyên tắc thị trường trong thời gian tới, điều đầu tiên cần làm là cần gỡ rối và xử lý những nghịch lý nêu trên là nguyên tắc đầu tiên trên hành trình tiến tới giá thị trường cho ngành điện. Cùng với đó, cần đa dạng hóa các nguồn vốn và hình thức đầu tư, cũng như đa dạng hóa các dạng năng lượng điện cung cấp cho phát triển đất nước.

Cũng theo ông Phong, việc bảo đảm an ninh năng lượng và môi trường trong sản xuất, phân phối điện và tăng cường năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước, mở rộng sự minh bạch và giám sát xã hội đối với ngành điện là một điều khá quan trọng.

“Đã đến lúc không thể để sự độc quyền, sự bất lực và những bất cập về năng lực và trách nhiệm bắt cả xã hội làm con tin của mình trong quá trình bảo đảm điện năng cho phát triển đất nước”, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nói.

Trong khi đó, chia sẻ về những nhận định trên của chuyên gia, ông Đặng Huy Cường - cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Bộ Công thương lại cho rằng, Quyết định số 24 của Chính phủ với thời gian điều chỉnh giá điện tối thiểu ba tháng/lần, không quá 5% là hoàn toàn hợp lý. Bởi điều này sẽ tránh được việc phải thường xuyên điều chỉnh giá điện như một số nước, đảm bảo giá điện không bị kìm nén quá lâu, rồi sau đó phải tăng một bước lớn, gây sốc cho người dân.

Còn riêng về vấn đề giá cả, ông Cường khẳng định rằng, hiện nay giá điện do EVN bán chưa đến 10 cent/kWh mà mới là 6,5 cent/kWh (khoảng 1.200 đồng), trong khi giá điện tất cả nhà máy ngoài đều khá cao, xấp xỉ 700-900 đồng/kWh.

“Nếu không điều chỉnh đúng giá thành thì việc cung ứng điện trong tương lai vô cùng khó khăn. Nói giá điện lâu nay chỉ có một chiều tăng, mà không có giảm, tình hình này cũng giống như hầu hết các nước trên thế giới. Mục tiêu kiềm chế lạm phát, thúc đẩy an sinh xã hội đều không theo kịp, do đó giá điện cũng không thể giảm trong khi tất cả đều tăng”, ông Cường nói.

Minh Hường

http://www6.vnmedia.vn/home/NewsId_279979_Catid_26.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét