Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Dân chi phụ mẫu?

Chánh Khải
Chủ Nhật,  25/3/2012,


(TBKTSG) - Thật khó có thể hình dung một quan chức cấp bộ như bà Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai lại có thể phát biểu một câu mang tính ban phát khi trả lời phỏng vấn về đề xuất sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của Bộ Tài chính và cũng do chính bà là trưởng ban soạn thảo (Tuổi Trẻ, 16-3-2012).
Toàn văn bài phỏng vấn cho thấy, khi nói “Mức giảm trừ như thế là khoan sức dân rồi” thì bà thứ trưởng hẳn đã quên câu “cán bộ là đầy tớ của dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói để chỉ còn thấy mình là bậc “dân chi phụ mẫu”, rằng ban phát như thế là được rồi, người dân đừng đòi hỏi thêm nữa!? 
Ngày 21-11-2007, Luật Thuế TNCN được Quốc hội thông qua trong bối cảnh lạm phát cao (cả năm 2007: 12,63% trong khi tăng trưởng GDP là 8,44%). Giá cả hàng hóa tại thời điểm đó cũng tăng mạnh so với trước.  Bình gas 12 ki lô gam có giá 200.000 đồng/bình (tháng 8-2007), xăng A92: 13.000 đồng/lít (tháng 11-2007), giá nước sinh hoạt tại TPHCM: 2.700 đồng/mét khối (trong định mức và chưa tính thuế), giá điện sinh hoạt bình quân 842 đồng/kWh... Các mức giá trên được xem là cao ngất ngưởng bởi trước đó - từ năm 1996-2006 - lạm phát luôn ở mức một con số, chỉ qua năm 2007 mới... phi nước đại lên hai con số.
Vậy mà, nay chỉ năm năm thôi, chưa bằng nửa đoạn đường từ năm 1996-2007, không ai nghĩ mình sẽ phải mua một bình gas 12 ki lô gam với giá gần nửa triệu đồng, đổ một lít xăng giá 22.900 đồng, tiền nước sinh hoạt: 4.800 đồng/mét khối (chưa tính 5% thuế giá trị gia tăng và 10% phí bảo vệ môi trường), giá điện: 1.242 đồng/kWh (chưa tính thuế GTGT)... Đó là chưa nói đến các mặt hàng thiết thân khác như đường sữa, nước mắm, muối, gạo, bột ngọt, thịt, cá, bó rau... tất cả đều tăng chóng mặt.
Các “ông lớn” như điện, nước, xăng dầu, gas... luôn miệng kêu lỗ do giá thế giới tăng và đòi hỏi phải được điều chỉnh tăng giá theo cơ chế thị trường để giảm lỗ và những đòi hỏi ấy thường được đáp ứng rất nhanh chóng, thậm chí như đợt tăng giá xăng vừa rồi, nhanh đến mức bất ngờ, đến nỗi lúc đầu, nhiều cây xăng không kịp biết nên vẫn bán giá cũ.
Vậy mà với Luật Thuế TNCN thì các nhà soạn thảo luật vẫn nhất mực “quan điểm của luật này là chính sách phải ổn định” vì “thời gian áp dụng luật là năm năm” để rồi chẳng bao giờ luật theo... cơ chế thị trường. Lại càng khó hiểu hơn khi Luật Thuế TNCN hiện hành (và cả dự thảo luật sửa đổi) được bà thứ trưởng cho biết là “không dựa vào tiền lương tối thiểu hay dựa vào trượt giá hay GDP bình quân đầu người” vì “căn cứ vào một yếu tố nào cũng là không toàn diện” để bảo vệ quan điểm “cá nhân có thu nhập thì phải nộp thuế” bất kể lạm phát và giá cả sinh hoạt tăng mạnh đang đánh thẳng vào cuộc sống vốn dĩ nhiều khó khăn, đạm bạc của bao nhiêu gia đình người làm công ăn lương, công chức viên chức, lao động nghèo.
Cứ khư khư quan điểm “có thu nhập thì phải nộp thuế” để bỏ bên lề mọi bức bách cuộc sống đời thường của người dân trong khi Nhà nước thì chưa lo được cho tươm tất chuyện an sinh xã hội như y tế, giáo dục, việc làm, giao thông, an ninh trật tự, vui chơi giải trí... thì rõ ràng là Luật Thuế TNCN đã không công bằng với người nộp thuế; không rõ ràng mục tiêu thu thuế ngoài cách hiểu tận thu cho ngân sách.

 http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/sotay/73688/Dan-chi-phu-mau?.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét