Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

ĐỌC MÀ ĐAU (số 7)

Người cha 90 tuổi đau lòng bên xác con. 
Ảnh: Hữu Khá

1. Một cái chết đau lòng: (Tuổi trẻ online)  Sáng 23-3, tại thôn Ngọc Sơn Tây (xã Bình Phục, Thăng Bình, Quảng Nam), ông Nguyễn Văn Tưởng (47 tuổi, không vợ không con) đã tự tử sau khi có những hành vi quá khích do bức xúc chuyện đền bù giải tỏa đất đai.
        Vâng, do bức xúc vì giải tỏa đất đai, ông Tưởng đã dùng dao đâm loạn xạ vào cán bộ rồi về nhà tự tử. Đây phải chăng là bi kịch của người nông dân, những anh Pha thời nay ? "Bước đường cùng " của Nhà văn Nguyễn Công Hoan vẫn còn nguyên giá trị. Đau!
         2. Khi người trẻ quỳ xuống và hôn ghế...:( Tuổi trẻ online): Có thể yêu quý và hâm mộ, có thể nhịn ăn xếp hàng mua vé, có thể chen lấn xin chữ ký, mặc áo khoác giữa mùa hè nhiệt đới cho giống thần tượng...nhưng đến mức - xúm xít vào hôn cái ghế thần tượng ngồi thì...
“Hôm qua 10g có chạy chương trình mà chú Bi Rain gì đó (không biết gõ đúng không nhỉ) và bậu xậu của chú ta sang diễn. Bi ngồi cùng cậu nữa ghế A12, A14 trong Nhà hát lớn. Một số cô cậu nhòm thấy. Tối biểu diễn, nhiều quý nữ có vé mời vào rất sớm, xúm nhau cúi xuống ngửi, hôn cái ghế Bi ngồi”...


Sự cuồng nhiệt của khán giả trẻ VN trong chương trình giao lưu 
văn hóa Việt - Hàn ngày 15-3 tại Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh

           Đọc bài báo này thấy nhục và đau. Chả lẽ với trẻ bây giờ hâm mộ thần tượng đến mức ấy sao ? Hay thằng "sao Hàn" này nó ăn cái gì khác người thường nên chất thải của nó cũng thơm nên người ta mới dám ngửi và hôn cái ghế nó ngồi! Cuồng tín và ngu muội hết chỗ nói!
             3. Sông Tranh 2: Thảm họa vỡ đập không quá xa vời :(): "Tôi không hiểu sao nhà thầu lại phát ngôn rằng chuyện nứt đập là chuyện bình thường. Dù gì, nguy cơ vỡ đập là có. Rõ ràng chính các kỹ sư thi công cũng chưa hiểu hết về kỹ thuật nên mới có một vài tuyên bố như vậy". Đó là chia sẻ của GS.TSKH Phạm Hồng Giang về sự cố nứt Đập Thủy điện Sông Tranh 2.
            Vâng, ở Việt Nam chúng ta khác thế giới ở chỗ: Cái người ta cho là nghiêm trọng thì ta cho là bình thường và ngược lại. Tai họa treo lơ lửng trên đầu hàng chục vạn dân thì người ta nói không lo. Người ta chỉ đi dạo hồ có khi cũng bị bắt bớ hạch sách. Còn về an toàn thì cái gì người ta cũng bảo an toàn: bô-xít an toàn, điện hạt nhân an toàn...và hạ cánh an toàn! Rồi thì bình thường cái gì cũng là bình thường được: Ngàn điểm không môn Sử-bình thường,Vinashin-bình thường, nứt đập-bình thường...chỉ có cái đầu lãnh đạo thì không bình thường mà là...tầm thường!

           4. Kết quả thấp hơn người khác, bí thư xé hết phiếu bầu: (VTC News): Chuyện xảy ra ở Cục thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai trong buổi bỏ phiếu thăm dò đề bạt lãnh đạo Cục thi hành án theo quy hoạch cán bộ 2012-2020.
        "...Kết quả bỏ phiếu thăm dò đề bạt lãnh đạo cục: ông Nguyễn Quốc Tùng đạt 3/4 số phiếu bầu còn ông Cao Minh Hoàng Tùng chỉ đạt 2/4 phiếu bầu. Trong lúc tổ kiểm phiếu đang lập biên bản bầu cử và mọi người ra ngoài giải lao thì bất ngờ ông Cao Minh Hoàng Tùng đã đi vào và lấy bút đánh dấu lộn xộn vào các tờ phiếu bầu của các cán bộ cấp uỷ vừa bỏ phiếu. Bị mọi người phát hiện và có ý kiến thì ông Cao Minh Hoàng Tùng đã bất ngờ ôm hết thùng phiếu chạy xuống phòng mình ở tầng  rồi xé  toàn bộ số phiếu và bỏ vào thùng rác". 
         Ông (Cao Minh) Hoàng Tùng này là Bí thư chi bộ- Phó Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai đấy và kỳ bỏ phiếu này là để thăm dò đề bạt lãnh đạo Cục. Không biết việc làm trên của ông Cục phó có thể gọi là Cao Minh như tên ông hay không nhưng chắc chắn " tiếng thơm" của Cục này sẽ vang xa vạn dặm!
              

              5. “Nhắm mắt cho các em học”: (Báo Biên phòng): Nhìn bên ngoài, ngôi trường này chẳng khác gì những dãy nhà cấp 4 đã bị bỏ hoang lâu năm. Vào “thị sát” tận nơi mới thấy một cảnh tượng thật đáng sợ. Hàng chục giáo viên với gần 400 học sinh vẫn đang giảng dạy, học tập trong những căn phòng bị xuống cấp, tường nứt hở hoác, bị rung lên bần bật mỗi khi có va đập mạnh… Hỏi lãnh đạo địa phương mới hay, ngôi trường này được xây dựng từ năm 1972, đã qua nhiều lần tu sửa. Vừa qua cũng đã có đoàn kiểm tra của UBND và phòng Giáo dục huyện về kiểm tra, nhưng đến nay vẫn “bặt vô âm tín”. Đó là thực trạng của trường THCS Đức Sơn (Anh Sơn, Nghệ An).
 
Thầy Hiệu trưởng nhà trường lo lắng, bất lực trước sự hư hỏng
 của ngôi trường.
          Vâng, đọc bài báo này lại nhớ đến những đứa trẻ "lít nhít" (chữ của Nhà báo Mai Thanh Hải) vùng cao trong chương trình "Cơm có thịt" của Nhà báo Trần Đăng Tuấn. Và đây là các khâu hiệu hoành tráng "Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai", "Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em", "Giáo dục là quốc sách hàng đầu"...Trong khi báo chí vừa qua đưa tin một quan chức cấp tỉnh mua một lúc 5 biệt thự giữa thủ đô và nhiều ngôi biệt thự ở đây  bỏ hoang và chỉ để... nuôi bò. Vậy thì xin các ngài đừng hô khẩu hiệu suông nữa !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét