Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Công bằng ở đâu?

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Quyền đã lên tiếng thừa nhận: Theo quản lý ngành, các phương tiện kinh doanh luôn hoạt động hết công suất và sử dụng đường nhiều, còn phương tiện phục vụ gia đình sử dụng đường ít. Tuy nhiên, vì "sự nghiệp bảo trì đường bộ”, phải chấp nhận sự tham gia đóng góp lệ phí, khi công bằng chỉ mang tính "tương đối”.

Sự tương đối, hay nói cách khác, "ý chỉ” của Bộ GTVT về thu phí đường bộ, là không thể lay chuyển, và giải thích của của Tổng cục đường bộ phải xuất phát chính sự nghiệp mang tính sống còn của ngành, dẫu biết sự công bằng không theo ý muốn. Thậm chí, có tờ báo còn gọi đây là giải pháp "gọt chân cho vừa giày”!

Khổng Tử, nhà triết học xã hội nổi tiếng Trung Hoa, nói về phép trị nước đã từng nói: "Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên. Đã công bằng thì không nghèo, đã hoà mục thì không thiếu, lòng dân đã yên thì không sợ nghiêng đổ”. Tư tưởng đó đã có sức sống qua nhiều thời đại.

Ai cũng biết, để làm đường, nhà nước thu hồi đất của dân, tiêu tiền từ ngân sách của dân, vay nợ nước ngoài dân phải trả thuế do dân đóng góp. Bây giờ nộp phí đường bộ, vận tải tăng giá, lại đổ đầu dân, đó là chưa kể đến những khoản phí đầu phương tiện. Nếu tính sơ sơ cũng đứt tháng lương của người lao động phổ thông, những người ngày đêm đang bươn trải với hàng loạt đợt tăng giá.

Đúng là bây giờ đất nước đổi mới, những con đường được hình thành, đẹp hơn, rộng hơn, nhưng cũng chỉ chiếm 45% tổng số km quốc lộ, tỉnh lộ, còn lại 55% là đường nông thôn, miền núi mà theo Đề án thu phí sẽ thuộc sự quản lý của cấp địa phương. Vậy, công bằng mang tính tương đối, ai trả sự công bằng cho những người dân sử dụng đường ít, trên những con đường cấp địa phương ấy? Ông Hoàng Đức Hậu, Hội Cầu đường Việt Nam cho rằng sự nghiệt ngã của thu phí đường bộ khi cào bằng cho mọi người dân chính là còn đó ở tất cả 63 tỉnh thành những km đường không ra đường, những km đường ngày đêm sạt lở, những km liên thôn liên xã đất đá khó khăn... và với những người họa hoằn lên huyện, lên tỉnh nhất là người dân tộc, người vùng sâu vùng xa, mức phí 1,2 triệu đồng cho một đầu phương tiện, chính đang "giết chết” sự công bằng, rốt cục chỉ vì 6 chữ: sự nghiệp bảo trì đường bộ.

"Các nước trên thế giới đã làm được, Việt Nam sẽ làm được”, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng từng nhấn mạnh khi đưa ra lý lẽ để biện giải cho việc thu phí đường bộ. Tuy nhiên, đưa tư duy của những quan chức hay đi nước ngoài áp dụng vào đường xá Việt Nam chẳng khác nào so sánh mức thu nhập hàng chục nghìn đô la một năm của các nước trong khu vực với thu nhập của đa số người dân Việt Nam 1 đến 2 triệu đồng, khi sự chênh lệch lớn đến khiên cưỡng chính là nền tảng tiên quyết cho sự hữu dụng của chủ trương vĩ mô. Thu phí đường bộ, khoản phí thu từ dân, nhưng chưa bao giờ được cân đo đong đếm một cách chi tiết nhất hiện trạng của đường xá Việt Nam, tần suất sử dụng phương tiện hay mặt bằng mức sống người dân.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội đã từng chất vấn Bộ GTVT là tiền của các trạm thu phí đi đâu khi hàng loạt tuyến đường xuống cấp trầm trọng mà vẫn thu phí? Bây giờ gánh nặng ấy lại trao cho dân, cho những người có xe máy, nếu xét về kỹ thuật, không thể nào làm nứt lún, hư hỏng mặt đường. Sự công bằng mà người dân đỏi hỏi phải chăng chính là sự ép buộc vì sự "tương đối”, khiến lòng dân không yên, hệ quả kéo theo là sự thiếu minh bạch, tham nhũng?

"Giao thông Việt Nam sẽ có những bước đột phá”, nói như Bộ trưởng Đinh La Thăng khi đăng cử nhậm chức, không có nghĩa thay đổi bằng mọi giá. Giá phải trả sẽ đắt hơn nhiều khi sự công bằng bị đánh mất.

Tuấn Việt
http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=0&chitiet=47997&Style=1
đọc thêm:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét