Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Người tiêu dùng kiệt quệ vì “bão giá”

(Thanh tra)- Trước việc giá xăng dầu tăng tới 10%, các doanh nghiệp buộc phải tăng giá hàng hóa, dịch vụ để bù đắp chi phí đầu vào, nhưng lại lo khó giữ chân khách hàng. Thêm vào đó, nhiều mặt hàng thiết yếu đầu vào sản xuất như điện, than… cũng đang rục rịch đề nghị tăng giá theo lộ trình để chống lỗ, khiến người tiêu dùng có thu nhập thấp không biết sẽ xoay sở chi tiêu đời sống hàng ngày ra sao?
Mới chỉ hơn 2 tháng đầu năm, hàng loạt mặt hàng thiết yếu như thuốc tân dược, sữa, gas… và giờ là xăng dầu đua nhau tăng giá. Đáng nói là, giá của mặt hàng gas, chỉ trong 2 tháng đầu năm đã có 4 lần được điều chỉnh tăng. Tổng mức tăng qua các lần là 120.000 đồng/bình 12kg. Hiện giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng, tùy theo từng hãng vẫn là gần 500.000 đồng/bình 12kg. Dù Nhà nước đã hạ thuế suất gas từ 5% xuống 0% và giá gas nhập khẩu mấy ngày gần đây đã giảm nhưng giá bán của các đại lý chỉ giảm không đáng kể.
Trong khi người dân còn chưa kịp “thích ứng” với mức tăng giá của nhiều mặt hàng thì ngày 7/3, giá xăng dầu đã chính thức tăng thêm 10%, từ 600 - 2.100 đồng/lít. Hiện, xăng có giá mới là 22.900/đồng/lít. Mức tăng này được doanh nghiêp và người tiêu dùng cho là quá sốc từ trước đến nay.

Theo tính toán của liên Bộ Tài chính - Công thương, tác động của mức điều chỉnh giá xăng dầu lần này lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm là 0,85%, trong đó tác động vòng 1 (tác động trực tiếp) là 0,24% và tác động vòng 2 (tác động gián tiếp) là 0,61%. Việc tăng giá xăng dầu còn làm giảm GDP từ 1 - 1,3%.


Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, mức tăng này mới chỉ bằng 12,56 - 40,95% mức đáng ra phải điều chỉnh theo quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Nếu tính đủ theo barem thuế thì giá bán xăng dầu trong nước phải điều chỉnh tăng từ 4.200 - 6.500 đồng/lít. Như vậy, việc điều chỉnh giá xăng dầu trong thời gian tới là đương nhiên và sẽ ảnh hưởng nhiều hơn nữa đến chỉ số giá sản xuất và giá tiêu dùng.


Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong điều kiện công tác quản lý giá của các cơ quan chức năng và địa phương còn nhiều bất cập, kém hiệu quả như lâu nay, nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời, tình trạng tăng giá ăn theo, tăng giá tâm lý, tăng giá đón đầu sẽ tác động đến mặt bằng giá cả thị trường còn lớn hơn nhiều.


Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc các ngành hàng tiêu hao xăng dầu lớn (như vận tải, nông nghiệp, lâm nghiệp, đánh bắt hải sản…) cho biết, với giá xăng tăng tới 10%, việc tăng giá sản phẩm, dịch vụ để bù đắp chi phí là khó tránh. Nhưng, tăng giá vào lúc này là tự làm khó cho doanh nghiệp, bởi giá bán sản phẩm và dịch vụ đã ở mức cao, hàng tồn kho nhiều do sức mua của người dân nhiều tháng nay giảm. Nếu tăng giá, doanh thu bán hàng, dịch vụ có thể còn giảm sút hơn nữa.


Trong khi chi phí đầu vào liên tục tăng, lãi suất vay ngân hàng từ năm ngoái đến nay vẫn cao (21 - 22%/năm), lợi nhuận làm ra không đủ trả lãi ngân hàng. Không ít doanh nghiệp, vì thua lỗ đã phải dừng hoạt động.


Vấn đề đáng quan ngại, từ việc tăng giá xăng dầu, nhiều doanh nghiệp sản xuất thổi phồng, tăng giá quá mức, tạo ra hiệu ứng không tốt, lan toả trong nội bộ ngành và toàn nền kinh tế. Từ đó, dẫn đến việc tăng giá đồng loạt của nhiều loại sản phẩm và hàng hoá dịch vụ khác. Đó là chưa kể, các tiểu thương tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ cũng lợi dụng tăng giá từ mớ rau, củ hành, con cá… Đương nhiên, giá cả tăng dù, bất hợp lý thì người tiêu dùng đều phải chịu cả, vì dù có tiết kiệm đến mấy cũng không thể bỏ được những nhu cầu thiết yếu đời sống hàng ngày.


Nếu tính từ thời điểm tăng lương tối thiểu (từ 750.000 đồng lên 850.000 đồng/tháng) hồi tháng 5/2011 đến nay, giá nhiều mặt hàng thiết yếu đầu vào của sản xuất như điện, xăng dầu, than đã nhiều lần tăng. Mỗi lần như vậy, hiệu ứng tăng giá ăn theo đều tạo ra một mặt bằng giá mới. Nhiều mặt hàng thiết yếu nay đã tăng quá cao, thậm chí có mặt hàng như gas hiện đã cao gấp gần 2 lần so với thời điểm nâng lương năm 2011.


Đón đầu làn sóng tăng giá, từ đầu tháng đến nay, tại các chợ trên địa bàn Hà Nội (cũng như các địa phương trong cả nước), nhiều mặt hàng phục vụ đời sống hàng ngày đã âm thầm tăng giá. Gà ta nguyên con tăng từ 85.000 đồng/kg lên 120.000 đồng/kg. Các loại rau, cá và gạo cũng tăng đáng kể. Thịt lợn, thịt bò đứng ở mức cao cả tuần vừa rồi và hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng mạnh trong vài ngày tới, khi dịch cúm gia cầm, dịch bệnh trên gia súc chưa có dấu hiệu thuyên giảm.


Trong khi tiền lương không theo kịp với trượt giá thì tình trạng các doanh nghiệp thua lỗ, phá sản ngày một tăng càng khiến cho người lao động thất nghiệp tăng lên. Thu nhập giảm sút, giá cả tăng, người làm công ăn lương phải xoay sở để bảo đảm sinh hoạt đời sống. Nếu tới đây, giá điện, than, xăng dầu tiếp tục điều chỉnh để bù lỗ… “bão giá” càng khốc liệt hơn thì việc chi tiêu hàng ngày đối với người có thu nhập là một bài toán rất khó!

 Để kiềm chế giá cả, ổn định sản xuất và an sinh xã hội, Chính phủ đã có nhiều biện pháp như dùng công cụ thuế để can thiệp vào giá (gas, xăng dầu); các địa phương hỗ trợ ngân sách cho doanh nghiệp trữ hàng, bán hàng bình ổn giá… Hiệu quả từ những biện pháp này đã ít nhiều được khẳng định. Song, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, thiếu căn cơ lâu dài.

Vấn đề cơ bản, quan trọng nhất vẫn phải là tổ chức lại hệ thống phân phối minh bạch và bớt khâu trung gian, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm về giá bán. Việc này đã được nói đến rất nhiều từ bộ, ngành đến chính quyền địa phương và cơ quan có trách nhiệm các cấp, song chưa thấy có một động thái quyết liệt, hiệu quả nào.


Rõ ràng, một khi giá cả hàng hóa thị trường không được kiểm soát chặt chẽ, người tiêu dùng còn lao đao, kiệt quệ vì “bão giá”.

                                                                                                
Hà Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét