Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

Xây dựng Đảng và một “câu hỏi lớn”

Để sửa chữa một ngôi nhà người ta thường gỡ bỏ những cây cột, bức tường hay viên gạch đã bị hỏng để thay vào đó những cây cột, bức tường hay viên gạch mới chứ không ai chấp vá, sơn phết phủ lên nó lớp sơn mới trong khi bên trong nó đã mục ruỗng...

NGUYÊN VŨ
27/12/2011 00:42 (GMT+7)
picture  
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng xây dựng, chỉnh đốn Đảng "liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ".

Vì sao công tác xây dựng Đảng được Trung ương rất coi trọng, đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị rất đúng, rất hay, nhiều cuộc vận động sâu rộng, nhưng kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu?

Phát biểu khai mạc hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng 11 hôm 26/11, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đây là một "câu hỏi lớn, rất day dứt, trăn trở lâu nay cần được trả lời cặn kẽ".

Cám dỗ danh lợi

Nêu tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng, Tổng bí thư nêu câu hỏi vướng mắc chính là ở chỗ nào?

Ông đề nghị Trung ương đi sâu phân tích, mổ xẻ, chỉ ra đúng căn nguyên để có biện pháp chữa trị hữu hiệu.

Về giải pháp, những việc cần và có thể làm ngay, theo Tổng bí thư, phải chăng là từng cán bộ, đảng viên, trước hết là từng đồng chí ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, tự điều chỉnh mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình; cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, tệ hại.

Một trong những việc cần phải có thời gian chuẩn bị được Tổng bí thư nhấn mạnh là xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, gắn với việc tổ chức thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; có cơ chế giám sát chặt chẽ của tổ chức đảng và nhân dân, kịp thời thay thế những người không hoàn thành nhiệm vụ. Tiếp tục cải cách chế độ tiền lương, nhà ở, bảo đảm cho cán bộ, công chức có mức sống ổn định và có điều kiện để giữ liêm, đồng thời chống đặc quyền, đặc lợi…

Nhấn mạnh rằng xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc rất khó, rất phức tạp, dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người, Tổng bí thư cho rằng "khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ".

Vì sao đầu tư còn thất thoát lớn?

Bên cạnh nội dung nói trên, hội nghị này còn thảo luận, cho ý kiến về đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2011 - 2020; cho ý kiến về các báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2011; báo cáo kết quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng năm 2011; báo cáo công tác tài chính Đảng năm 2011; bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI và một số vấn đề quan trọng khác.

Về đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2011 - 2020, Tổng bí thư nhấn mạnh, đây là vấn đề lớn, rất khó, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều vùng, địa phương và cả nước; cần phải xác định rõ phạm vi, mục tiêu, yêu cầu, tư tưởng chỉ đạo thì mới có thể triển khai thực hiện một cách có hiệu quả.

Nêu yêu cầu  khi đánh giá tình hình, cần thấy cả mặt đã làm được và chưa làm được một cách khách quan, cầu thị, theo Tổng bí thư cần phân tích sâu sắc các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân yếu kém, nguyên nhân chủ quan.

Vì sao có tình trạng đầu tư kết cấu hạ tầng dàn trải, chất lượng kém, lãng phí, thất thoát lớn, hiệu quả thấp? Phải chăng về tư duy, là do còn nặng tư tưởng tập trung, bao cấp, ỷ lại vào vốn ngân sách trung ương và vốn ODA; chạy theo số lượng, tiến độ, thành tích bề nổi mà lơ là chất lượng, coi nhẹ công tác vận hành, duy tu, sửa chữa; tư tưởng bản vị cục bộ..., Tổng bí thư đặt vấn đề.

Một số nguyên nhân khác cũng được ông đề cập như quy hoạch thì “hoành tráng” nhưng không tính tới nhu cầu sử dụng và nguồn lực thực hiện nên không khả thi; quy hoạch có khi bị chi phối bởi lợi ích cục bộ hoặc tư tưởng bình quân, chia đều cho các địa phương, không tập trung vào các trọng tâm, trọng điểm.

Cùng với việc đánh giá chính xác thực trạng tình hình kết cấu hạ tầng và công tác xây dựng kết cấu hạ tầng thời gian qua, Tổng bí thư đề nghị Trung ương cần cho ý kiến về dự báo bối cảnh, yêu cầu đặt ra cho sự phát triển, nêu rõ những thuận lợi, cơ hội và những khó khăn, thách thức, nhất là những mâu thuẫn lớn đang đặt ra.

Đó là: nhu cầu thì lớn nhưng nguồn lực có hạn; muốn đầu tư tập trung nhưng lại phải giải quyết đồng thời nhiều yêu cầu, mục tiêu phát triển; muốn phát triển nhanh, nhưng lại phải cắt giảm đầu tư công, thực hiện chính sách tài khóa - tiền tệ chặt chẽ và giữ nợ công trong ngưỡng an toàn; việc huy động vốn ODA khó khăn hơn khi kinh tế thế giới bất ổn và nước ta trở thành nước có thu nhập trung bình...

Về chính sách, cơ chế và giải pháp, theo Tổng bí thư cần chú trọng các vấn đề có tính đột phá, huy động được nhiều nguồn lực của xã hội, cả trong nước và nước ngoài; khắc phục cho được tình trạng đầu tư dàn trải, chất lượng kém, thất thoát, hiệu quả thấp. 


 http://vneconomy.vn/20111226084744141P0C9920/xay-dung-dang-va-mot-cau-hoi-lon.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét