Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

DNNN: Chỗ ngon thì cố giữ

(VEF.VN) - Hơn 20 năm cải cách DNNN, số DNNN vẫn còn nhiều và đang trấn giữ ở nhiều ngành nghề kinh doanh, các DN này vẫn không chịu từ bỏ những ngành ngon ăn như: BĐS, bán lẻ...
Chuyển đổi quá chậm
Nói tới tái cấu trúc DNNN hay vai trò của Nhà nước trong hoạt động kinh tế, một thông điệp lớn đã được thống nhất rằng: Nhà nước không làm thay việc của doanh nghiệp. Chuyên gia kinh tế Bùi Huy Sơn, Viện Kinh tế và chính trị thế giới chia sẻ, Nhà nước không thể trực tiếp kiếm lợi nhuận và làm giàu mà chỉ là người trợ giúp cho dân chúng làm giàu. Nhà nước chỉ nên làm những cái mà tư nhân không thể làm và không muốn làm nhưng lại quan trọng với nền kinh tế xã hội.
Muốn vậy, Nhà nước phải mau chóng rút chân ra khỏi những lĩnh vực kinh doanh đơn thuần. Câu chuyện này thực chất đã được thể chế hóa trong nhiều văn bản quy phạm suốt 20 năm qua.
Năm 1990, vấn đề chất lượng DNNN đã được đặt lên bàn cân bằng một Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng (Quyết định số 31) về chấn chỉnh và tổ chức lại sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế quốc doanh, theo đó, sẽ giải thể, chuyển đổi mô hình DNNN kém hiệu quả thua lỗ đã bắt đầu thực hiện.
Đến năm 2002, tức 12 năm sau, việc tách bạch rõ ràng Nhà nước làm gì, tư nhân làm gì mới bắt đầu được triển khai. Khi đó, lần đầu tiên  tiêu chí và danh mục phân loại DNNN và Tổng công ty được ban hành. Các nhóm ngành, lĩnh vực mà DNNN được giữ 100% vốn hay chỉ chiếm cổ phần chi phối trên 50% vốn điều lệ được tách bạch rõ ràng.
Quá trình cải cách DNNN luôn chậm và không hoàn thành kế hoạch.
Ở thời điểm này, Nhà nước vẫn được hoạt động kinh doanh tới 46 lĩnh vực, ngành và chi phối 47 lĩnh vực, ngành. Đến năm 2004, "mảng" kinh tế mà DNNN nắm giữ 100% vốn đã giảm xuống chỉ còn 29 ngành, lĩnh vực và có 8 lĩnh vực mà DNNN rút chân hoàn toàn. Tiếp đến năm 2007, Nhà nước tiếp tục giảm thị phần của mình xuống chỉ còn nắm 100% vốn ở 19 lĩnh vực, ngành.
Chưa kể, Luật Doanh nghiệp ban hành năm 2005 cũng đã "khai tử" tên gọi mô hình DNNN với yêu cầu tất cả các DNNN phải chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty TNHH và công ty Cổ phần, thời hạn đáng lẽ phải hoàn tất là 1/7/2010.
Bên cạnh đó, Nhà nước rút dần ra khỏi kinh doanh còn bằng những chương trình thị trường hóa các mặt hàng thiết yếu độc quyền mà đến nay, còn hiện điện ở than, xăng dầu và điện. Chẳng hạn như, riêng lĩnh vực xăng dầu, từ tháng 12/2009, giá bán lẻ xăng dầu đã được thả cho doanh nghiệp tự định đoạt. Kể từ 1/9/2011, giá điện bán lẻ cũng được "buông" cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam tự điều chỉnh.
Tất nhiên, những mặt hàng nhạy cảm này điều chỉnh giá vẫn phải theo một công thức biến đổi theo đầu vào do Nhà nước qui định và cần còn phải "xin ý kiến" từng cấp.
DNNN vẫn trấn giữ nhiều ngành
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và đầu tư chuẩn bị cho cuộc tổng kết đổi mới, sắp xếp DNNN sẽ diễn ra sắp tới đã nhận định, cho đến nay, Nhà nước hãy còn nắm tỷ trọng lớn trong vốn điều lệ ở nhiều DN thuộc diện không cần chi phối.
Tính tới 30/9/2011, vẫn còn 64 DN 100% vốn Nhà nước thuộc diện phải chuyển đổi, sắp xếp nhưng chưa hoàn thành. Đáng chú ý là đa số, các DN này thuộc các bộ với 39 đơn vị, nhiều nhất là Bộ Giao thông vận tải còn 11 đơn vị.
Ông Phạm Đức Trung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã chỉ ra, DNNN vẫn có mặt ở hầu hết các ngành nghề của nền kinh tế, tỷ lệ nằm trong lĩnh vực như thương mại bán buôn bán lẻ, kinh doanh bất động sản, lưu trú ăn uống, du lịch, khách sạn... còn lớn.
Theo nghiên cứu của Viện này, năm 2010, chỉ có 6% DNNN hoạt động ở lĩnh vực quốc phòng an ninh, 24% DNNN hoạt động công ích. Còn lại, cả nước có tới 70% DNNN là hoạt động kinh doanh đơn thuần.
Suy rộng ra, cải cách DNNN sau 20 năm qua vẫn chưa có ảnh hưởng rõ rệt gì tới việc thay đổi phân bổ nguồn lực của Nhà nước, cũng như, chưa có sự thay đổi nào về chức năng của Nhà nước trong thể chế kinh tế thị trường.
DNNN chưa thể hiện được vai trò với trọng trách lớn được giao.
Ông Trung cho rằng, mặc dù Nhà nước nói chung hay DNNN nói riêng không còn phụ hợp với vị thế của ông chủ kinh doanh nữa, song đến nay, chức năng kinh doanh của Nhà nước hiện diện hãy còn lớn hơn cả chức năng tạo động lực, hỗ trợ và điều tiết nền kinh tế phát triển.
Sau nhiều năm sắp xếp, số lượng DNNN giảm nhiều nhưng cơ cấu DNNN trong nền kinh tế thay đổi không đáng kể. Trong khi đó, hiệu quả "làm kinh tế" của DNNN lại không cao. Bốn ngành DNNN tham gia là sản xuất điện, nước, khí đột, xây dựng, công nghiệp chế biến, thương nghiệp, sữa chữa xe... chỉ đạt tỷ suất lợi nhuận trung bình/vốn là 2,3% trong khi lại chiếm tới 60% DNNN cả nước và 67% tổng nguồn vốn kinh doanh của khối DNNN phi tài chính. Đây chính là lĩnh vực có nhiều DNNN yếu kém, thua lỗ, gây "tai tiếng" cho DNNN.
Nhìn lại câu chuyện của ngành xăng dầu thì sẽ thấy, cho đến nay, Nhà nước cũng chưa rút chân thực sự mà vẫn giữ quyền định giá, cơ chế "tự do hóa kinh doanh xăng dầu" như Nghị định 84 gần như không thực hiện. Ngành điện rậm rịch phải tái cơ cấu 3 năm nay nhưng đề án tách EVN thành các Tổng công ty điện lực độc lập vẫn chưa được phê duyệt. .
Ông Bùi Huy Sơn bày tỏ, Chính phủ cần phải lên danh sách các DNNN Nhà nước cần tư nhân hóa theo thứ tự mức độ thất bại của thị trường. Đồng thời, phải mời kiểm toán độc lập để định giá tài sản, công khai minh bạch quá trình đẩu ra. Với những DNNN chưa thể 'tư nhân hóa", phải tách chức năng quản lý Nhà nước ra khỏi quyền sở hữu, trao quyền tự chủ kinh doanh hoàn toàn, loại bỏ mọi sự hỗ trợ của Nhà nước và buộc doanh nghiệp phải hoạt động theo thị trường hoàn toàn.
Đặc biệt, việc đánh giá các DN này phải theo kết quả kinh doanh như DN tư nhân, không kèm theo các đòi hỏi phúc lợi xã hội khác. Ông Sơn cũng khuyến cáo, những lĩnh vực xã hội như y tế, điện, nước cần tư nhân hóa từ từ, thận trọng. Nhưng những lĩnh vực như đường sắt, hàng không, điện lực, Nhà nước chỉ nắm giữ phần hạ tầng, phần dịch vụ cung ứng cần mở ra cho tư nhân tham gia.
Ông Phạm Đức Trung cho rằng, tái cấu trúc DNNN theo cách cụ thể chọn đối tượng chỉ là ngắn hạn. Việc mấu chốt phải nằm ở định hướng chiến lược DNNN. Trong nhiều năm qua, nguồn ngân sách đầu tư quá lớn cho DNNN bởi chúng ta đã trao cho nhóm này một sứ mạng không thể làm tốt, đó là coi DNNN là chủ lực nền kinh tế. Nhưng đến nay, vị trí DNNN, vai trò của DNNN trong nền kinh tế nói chung ở mức nào cần phải được xác lập lại một cách phù hợp hơn.

http://vef.vn/2011-12-01-dnnn-cho-ngon-thi-co-giu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét