Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

2011: Những kỷ lục mới và ‘choáng’, ‘sốc’, ‘giật mình’

Một bức tranh hiện thực với những gam màu sáng tối, hình như ...tối nhiều hơn sáng! Buồn  wá chú Quan ui....

Những ngày cuối cùng của năm 2011 đang đi qua, đây là thời điểm các cơ quan ban ngành bận rộn với những cuộc tổng kết, báo cáo cuối năm. Tuần Việt Nam xin cùng nhìn lại những hỉ nộ ái ố suốt một năm qua trên các phương tiện truyền thông nhìn từ lĩnh vực văn hóa.

Cơn choáng của bà bộ trưởng và sự hào phóng của đại gia yêu cái đẹp

Trong khi Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn chưa hết 'choáng', 'sốc' trước tình trạng quá tải ở các bệnh viện, nơi bà đã có thâm niên mấy chục năm, và vẫn chưa tìm ra giải pháp gì thấu đáo, thì may thay, những người yêu cái đẹp đã kịp thời giúp dân xoa dịu hay chí ít là tạm quên những đau đớn, stress  vì ốm đau bệnh tật, vì kinh tế khó khăn ... khi liên tiếp tổ chức những cuộc thi người đẹp, hoa hậu.
Những năm gần đây, Việt Nam luôn vinh dự là quốc gia đăng cai những cuộc thi sắc đẹp quốc tế, và gần như cứ mỗi cuộc thi lại có thêm một nhà hát, trung tâm văn hóa 'xứng tầm' được xây dựng.
Năm 2008, để chuẩn bị cho việc tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008 (Miss Universe) tại Nha Trang, Khánh Hòa, công ty Hoàn Cầu đã đứng ra xây dựng nhà hát Crown Convention Center có quy mô 8.000 chỗ ngồi với tổng kinh phí 9,8 triệu USD.
Với tiến độ xây dựng gấp gáp đáng ngạc nhiên, và quy mô hoành tráng, nhiều người nghi ngại về chất lượng công trình, nhưng đã 3 năm trôi qua nhà hát Crown Convention Center vẫn... còn nguyên chờ hoa hậu, thì một công trình 'xứng tầm' khác, Nhà hát San Hô có kinh phí 10 triệu USD chuẩn bị được mọc lên tại Ninh Thuận chờ đón các thí sinh Miss Earth.
Mô hình Nhà hát San Hô mới được khởi công ở Ninh Thuận

Còn nhớ năm 2010, cuộc thi Hoa hậu Thế giới cũng 'suýt' được tổ chức tại Việt Nam. Sau những tuyên bố tài trợ đao to búa lớn của đại gia Hoàng Kiều và những kế hoạch của ông ở Vịnh Nha Trang bất thành, 'đại gia yêu cái đẹp' lại rầm rộ chuyển dự án đến Tiền Giang, nhưng một lần nữa tâm huyết với cái đẹp của vị đại gia phải dừng lại.
Chẳng biết vui hay buồn, nếu Hoa hậu Thế giới 2010 được tổ chức suôn sẻ, người dân Thới Sơn, Tiền Giang đã có một công trình văn hóa 'xứng tầm', được ngắm người đẹp thế giới, dù cho sau đó những nông dân mất ruộng có thể căng mùng màn ngủ ở sảnh nhà hát.
Tại sao trong khi những công trình phúc lợi công cộng như bệnh viện - trường học ngày càng gây 'đau đớn' từ người dân đến những lãnh đạo đầu ngành, thì những công trình nhiều tỷ mọc lên chỉ để dùng một lần rồi bỏ đấy lại liên tiếp được xây dựng, kèm theo những dự án đất đai đắc địa nhất; chắc chỉ các... hoa hậu trả lời được.
Hoặc nói cách khác, Việt Nam rất yêu cái đẹp và các đại gia Việt đặc biệt hào phóng với sắc đẹp.
Từ thiện 'ăn chực' và 1001 chiêu trò 'nhân ái'
Đẹp là vẻ đẹp từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, từ hình dáng đến tâm hồn, điều đó ai chả biết, cô nào đi thi hoa hậu mà chẳng nằm lòng mấy câu trả lời cho trước ấy; và người đẹp thì phải năng nổ làm từ thiện - đương nhiên - chứ không lấy lý do gì mà xuất hiện trên báo, doanh nghiệp - nhà tổ chức làm gì với những nguồn tiền tài trợ, và cớ nào để hô hào lòng trắc ẩn của các nhà hảo tâm rủng rẻng?
Thôi thì dù làm nền để các cô xúng xính lên báo, để các doanh nghiệp rộng cửa làm ăn, thêm nhiệt huyết tổ chức nhiều cuộc vui khác, thì người nghèo cũng đã được hưởng lợi, và phải cảm ơn các người đẹp rất nhiều, dù một gói mỳ tôm cũng là giúp đỡ.
Nhưng chuyện kéo cả mấy chục người đến ăn chầu cơm của các trẻ mồ côi, rồi chìa cho người ta hơn triệu bạc, chưa đủ tiền đi chợ, thì quá lắm thưa các doanh nhân yêu cái đẹp.
Khi hoa hậu đi thăm trại trẻ mồ côi..
... và ca sĩ đi làm từ thiện.

Cái gì cũng có giới hạn thôi, cả sự tính toán lẫn giả tạo.
Tội nghiệp mấy người đẹp mặt hoa da phấn, dù cười tươi lắm choán hết cả phần chụp ảnh các em bé, thì vẫn phải giơ mặt ra cho thiên hạ ném đá.
Cũng giống anh ca sĩ Lương Bằng Quang hùng dũng thuê cả đoàn vệ sĩ khênh mỳ tôm theo anh đi làm việc thiện thôi!.
Đến con trẻ cũng biết không nên cười đùa nơi đám ma, thì anh và người đẹp cũng phải biết làm trò tùy nơi,  thay vì múa may xát muối thêm vào sự bất hạnh của người!
Đại sứ du lịch và 'chơi trội như bộ trưởng'
Sau sự kiện 'đóng phim cùng Củng Lợi' ầm ĩ báo chí, rồi màn khoe ngực rổn rảng trong vở kịch về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, kiều nữ Lý Nhã Kỳ lại một phen nữa làm thiên hạ lác mắt với việc trở thành đại sứ du lịch, đột ngột không kém cách danh xưng này sinh ra.
Cách người đẹp phân trần "với vòng 1 tự nhiên không chỉnh sửa như của Kỳ thì mặc áo nào cũng hở", một blogger đã bình luận "bom đạn như thế, ăn nói như vậy làm Đại sứ du lịch là đúng rồi".
Chưa biết những đóng góp của Lý đại sứ cho ngành du lịch có tác động đến đâu, nhưng ít nhất giới truyền thông được dịp reo hò ầm ĩ.
'Người trẻ tuổi nhất bình chọn cho Vịnh Hạ Long' vàĐại sứ Du lịch Lý Nhã Kỳ
Cùng Đại sứ Lý Nhã Kỳ, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hoàng Tuấn Anh cũng được xuất hiện thường xuyên trên phương tiện thông tin, đặc biệt với chiến dịch quảng bá cho Vịnh Hạ Long, trong đó cháu gái 5 tháng tuổi của ông là 'người trẻ tuổi nhất bình chọn cho Vịnh Hạ Long"
Vịnh Hạ Long đã tạm được vào danh sách 7 kỳ quan thế giới, từ nay đến lúc danh hiệu được công bố chính thức còn nhiều câu chuyện liên quan đến bản quyền, tiền phí, cách thức... hứa hẹn sự đóng góp của Bộ trưởng và Lý đại sứ nhiều hơn nữa.
Nhà và tượng đài của mẹ anh hùng
Khúc ruột Miền Trung nhiều bão tố, Miền Trung khó khăn và nghèo túng... những cụm từ quen thuộc đó dường như đã trở nên lỗi thời, giờ người ta biết nhiều hơn đến Miền Trung chơi sang, đặc biệt sau vụ xây tượng đài Mẹ anh hùng 420 tỷ đồng ở Quảng Nam.
Ở một nơi thường xuyên 'được' lên các bản tin thời tiết về những cơn bão khẩn cấp sắp đổ bộ, địa danh thường được nhắc đi nhắc lại trên các báo cáo thiệt hại về người và của sau sự giận dữ của thiên nhiên... mà  vẫn sẵn sàng chi vài trăm tỷ đồng để xây tượng đài thì không thể nói gì khác ngoài việc 'chơi sang'.
Theo lời của các lãnh đạo Quảng Nam trên báo chí, tượng đài được xây dựng từ hình tượng Mẹ Thứ, mẹ anh hùng đã hy sinh 9 người con cho cách mạng. Lúc sinh thời Mẹ Thứ đã rất cảm động khi dự án được xây, chỉ tiếc Mẹ đã không còn để được nhìn 'hình tượng' mình hoàn thiện.
Và để tường tận hơn đẳng cấp chơi sang của Quảng Nam, phóng viên một tờ báo đã tìm về với những Mẹ anh hùng còn sống làm cả một loạt phóng sự dài: Tượng mẹ đặt ở đâu?
Câu trả lời đây: mẹ Trần Thị Sua ở ấp Thạnh Trị 2, xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre phải ở trong bụi tre vì căn nhà tình nghĩa của mẹ được xây hơn 15 năm đã xập xệ, sắp đổ, mẹ phải căng tấm bạt ở bụi tre ở vì 'ở đó an toàn hơn'.
Tượng của mẹ...
... và nhà của mẹ
Mẹ Nguyễn Thị Sơn, xã Long Định, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre mù lòa phải dò dẫm trong căn nhà tình nghĩa đã dột nát xập xệ, phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người cháu họ.
Mẹ Võ Thị Thuận, xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, Kiên Giang có chồng, hai con (một cháu hy sinh), cả tuổi thanh xuân của mẹ cũng dành cho cách mạng, mà những ngày cuối đời mẹ vẫn đang phiền não, canh cánh tấm giấy chủ quyền nhà 'để lúc nằm xuống có chỗ thờ cúng' mà vẫn chưa biết khi nào được.
Đã hơn một lần, Tuần Việt Nam đã đặt lại câu hỏi này: Tượng mẹ nên để ở đâu?
Siêu kế toán của Cục điện ảnh và văn hóa từ chức
Nhà báo Cát Khuê, một người cũ của làng điện ảnh đưa ra hình ảnh so sánh vừa ngồ ngộ, vừa cay cay giữa một người đàn bà trung tuổi bị hiếp dâm, nhưng cả ba lần bị hiếp chị đều... đưa bao cao su cho hung thủ; với Phạm Thanh Hải, người được công luận đặt biệt danh "siêu kế toán".
Với thành tích thụt két 42 tỷ đồng, Phạm Thanh Hải (được cho là) đã qua mặt cả Cục điện ảnh để tự tung tự tác với số tiền lớn gấp 10 lần kinh phí được cấp cho một dự án phim (phim Tâm hồn mẹ của đạo diễn Nhuệ Giang gần đây có kinh phí 4 tỷ từ nguồn vốn Nhà nước).
Hai vị cựu Trưởng, Phó Cục điện ảnh và 'siêu kế toán' Phạm Thanh Hải (giữa)
Chuyện vì sao một mình Thanh Hải có thể làm xiếc với bao nhiêu chứng từ và các thủ tục khắt khe của ngân hàng để nhiều lần rút tiền công quỹ vào túi riêng của mình, mà các sếp ở Cục điện ảnh của anh 'không hề hay biết', vẫn là câu hỏi còn để ngỏ.
Cũng như chuyện dù vụ thụt két này đã lộ ra từ nhiều tháng vẫn chưa ai tìm ra "siêu kế toán" này đang ở đâu, để các sếp của anh thổn thức ở bao cuộc họp báo; "chúng tôi bị lừa" "chúng tôi vô can"...
Chỉ đến khi 'tài năng' của "siêu kế toán" được báo chí lẫn cả người trong ngành điện ảnh và tài chính mổ xẻ ghê quá; khi Liên hoan phim vốn càng ngày càng thiếu muối với cung cách cũ nhưng kiểu tốn tiền không mới sắp diễn ra; khi các sếp Cục trưởng, Cục phó của anh sắp đường hoàng ngồi vào ghế BTC, đẩy sự ngạc nhiên và bức xúc của dư luận đến cực điểm, để họ không thể nhẫn nhịn được nữa mà lên tiếng quyết liệt, thì hai sếp anh mới bùi ngùi từ chức, khi chỉ còn cách quyết định cách chức vài bước chân.
Mới thấy tội nghiệp cho hai từ "từ chức" quá.
"Dù sao mất chức mà không phải đi tù cũng là tốt lắm rồi", một blogger chia sẻ với hai vị cựu trưởng, phó Cục điện ảnh.
Thưa "siêu kế toán" Phạm Thanh Hải, giờ này anh ở đâu, để lại nỗi niềm này biết tỏ cùng ai cho hai vị (cựu) sếp?
Luật nhà văn và xì xụp giải thưởng
Nhà văn, nhà thơ và những nghệ sĩ làm công việc sáng tác nói chung thường được 'mặc định' là  những người chuyên 'cưỡi mây đón gió', sống đời phóng khoáng, thơ  mộng và lãng mạn; không nặng lòng những bon chen trần tục. Ấy thế mà cứ đến mỗi kỳ giải thưởng, họ lại đáp từ ngọn cây xuống, phang nhau linh đình với những giải thưởng danh hiệu.
Chẳng thế mà năm vừa rồi, kỳ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, thiên hạ lại được dịp mắt tròn mắt dẹt khi các tài nhân thể hiện "các ông bà đây" giỏi giang thế nào, giải thưởng không vào tay ông, thì toàn thiên hạ dù có mắt cũng đều là hạng mù lòa cả.
ĐBQH Nguyễn Minh Hồng
Dù sao cũng phải cảm ơn họ, nhờ có mấy vụ inh ỏi đó, thiên hạ có trò hay để xem; và được biết thêm một góc trần tục của những chuyên gia cưỡi mây đạp gió, để khỏi rơi vào tình huống của một cô bé thiếu nhi năm nào: cô bé viết thư đến tòa soạn báo Nhi Đồng xin lời khuyên khẩn cấp để cứu bạn thân của cô, một cô bé khác đang suy sụp sau khi bắt gặp thần tượng ngồi vỉa hè ăn ốc luộc và chửi bậy.
Thêm nữa, thiên hạ cũng phải cảm ơn đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Hồng, nếu không có đề xuất Luật nhà văn gây sóng gió của ông, thì sao các nhà văn được nhắc đến nhiều như thế trong thời gian qua; trong khi những nhà giáo dục và xã hội học đang kêu ời ời rằng văn hóa đọc đang bị mai một.
Dù sau đó ông Hồng có kết lại: "Tôi đề xuất thế thôi, chứ thực lòng cũng chả biết vì sao cần Luật nhà văn", thì người dân vẫn cảm ơn ông lắm lắm, vì không có bác, ai biết xã hội cần nhà văn, và ai biết đến sự tồn tại của đại biểu quốc hội?


-Những phát ngôn nổi sóng năm 2011 -(ĐVO) Bên cạnh nhiều phát ngôn ấn tượng, năm 2011 ghi nhận không ít phát ngôn gây sốc theo hướng phản cảm về nhiều lĩnh vực: chính trị, giáo dục, kinh tế…>>> Chấm điểm Bộ trưởng trả lời chất vấn >>> Trả lời lòng vòng, Bộ trưởng GD-ĐT liên tục bị nhắc

Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận: “Hàng ngàn điểm 0 sử là bình thường”
Tại kỳ thi tuyển sinh Đại học năm 2011, tỷ lệ học sinh dự thi vào khối C là 6%, thấp nhất so với các khối khác. Không chỉ vậy, kết quả thi môn sử của khối C rất thảm hại với hàng nghìn bài thi bị điểm 0. Trả lời báo chí về thực trạng đáng báo động này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phạm Vũ Luận cho rằng: “Hàng nghìn điểm 0 môn sử là bình thường”. Câu trả lời của người đứng đầu ngành giáo dục thực sự gây sốc bởi học sinh khi thi đại học thì đã tốt nghiệp THPT, tức là phải có một kiến thức nền tảng nhất định về lịch sử chứ không thể là kiến thức liệt (điểm 0).
Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo: Phạm Vũ Luận. Ảnh: VTC News.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh ngày càng xa lánh môn sử, bộ trưởng Phạm Vũ Luận đổ lỗi phần nhiều cho “thời đại”: “Điểm sử thấp không phải chỉ là chuyện của Việt Nam, mà là chuyện của thời đại… Học sinh thuộc sử Tàu hơn sử Việt Nam không phải là vấn đề vấn đề của giáo dục, mà là vấn đề xã hội… Còn chuyện do dạy và học, cũng có khía cạnh đúng, nhưng nếu đổ hết cho dạy và học thì lại là chuyện khác”.

Khi mới nhậm chức, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nói rằng, ông không muốn tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ của mình. Nhưng với những phát ngôn phản cảm đến mức vô tình như trên, có lẽ ông đã tạo ra một "dấu ấn khó phai".
ĐBQH Hoàng Hữu Phước: “Biểu tình là ô danh. Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể chi tiền đài thọ cho một sự ô danh”

Tuyên bố trên nằm trong bài phát biểu của ĐBQH Hoàng Hữu Phước đọc trước Quốc hội để phản đối việc ban hành Luật biểu tình, một dự luật do Thủ tướng Chính phủ đề xuất. Trong phần thảo luận, tranh luận tại hội trường Quốc hội về dự luật Biểu tình, đại biểu Phước đã dùng nhiều câu chữ khá gay gắt nhằm phản đối việc xây dựng dự luật này: “biểu tình là hành động để chống lại chính phủ nước mình hoặc chống lại một chủ trương của chính phủ của nước mình” hay “tại sao cứ nói về nó mãi như thể nó là khuôn vàng thước ngọc để đo chiều cao chiều rộng chiều cao chiều sâu của tự do, dân chủ?”.
ĐBQH Hoàng Hữu Phước. Ảnh: VNE.

Trong bài phát biểu của mình, ĐBQH Hoàng Hữu Phước cho biết “tình nguyện đi đến tất cả các địa phương nào, dù đó là vùng sâu vùng xa, các trường đại học, các khu dân cư, mà không cần công tác phí, để thuyết trình về sự không cần thiết của Luật Biểu tình”.

Trong buổi họp trước khi bế mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII đã nhất trí thông qua đề xuất xây dựng dự án Luật Biểu tình và sẽ thảo luận để ban hành trong nhiệm kỳ Quốc hội này.
Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam: “Đau lòng vì lương nhân viên chỉ có 7,3 triệu đồng”
Tại buổi họp công khai khoản lỗ của ngành điện chiều 19/11, Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh công bố, lương bình quân năm 2009 của cán bộ, nhân viên toàn ngành điện là 7,3 triệu đồng mỗi tháng. Ông Phạm Lê Thanh còn cho biết: “Là tổng giám đốc, tôi rất đau lòng khi lương của cán bộ tập đoàn chỉ có ngần đó. Đây là mức tương đối thấp, nếu ở nông thôn thì có thể được, còn ở thành thị thì không thể sống được”.
Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh. Ảnh: VNE.

Phát biểu của Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh, đã gây khá nhiều tranh luận trong xã hội. Nhiều ý kiến không đồng tình và cho rằng cần xem xét lại việc trả lương cho nhân viên của EVN. Bộ trưởng LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng cần phải xem lại việc lãnh đạo EVN bày tỏ “đau lòng” trước việc nhân viên ngành mình lương “chỉ có” 7,3 triệu đồng/tháng. Theo bà Chuyền, nếu lãnh đạo EVN cho rằng mức lương 7,3 triệu đồng/tháng không đủ sống ở thành thị là không phù hợp với thực tiễn vì thực tế hiện nay, khối doanh nghiệp có mức lương tối thiểu là 2 triệu đồng, vẫn được coi là tạm ổn so với mức lương tối thiểu của cán bộ công chức chỉ có 830.000 đồng.
ĐBQH Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho đây là điều khó chấp nhận: “Điều chúng tôi băn khoăn là tại sao doanh nghiệp lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng mà lương bình quân toàn ngành tới 7,3 triệu đồng/tháng. Đó là mức lương cấp bộ trưởng (lương bộ trưởng hệ số 10 là 8,3 triệu đồng). Trong khi đó, những cán bộ công chức, học 4 năm đại học hay bác sĩ học đến 6 năm, nhưng lương khởi điểm chỉ hệ số 2,34,  khoảng 2 triệu đồng/tháng”. Nhiều nhân viên của EVN cũng lên tiếng “kêu oan” và cho biết lương của họ chỉ 3 – 4 triệu đồng/tháng và phải rất vất vả, làm thêm nhiều nghề mới đủ trang trải cuộc sống.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết EVN trả lương đúng quy định: “Điện lực là lĩnh vực đặc thù, nguy hiểm và khá độc hại. Lương trả cho lĩnh vực này có tới 25% được trả cho phụ cấp an toàn, độc hại. Như vậy, mức trung bình 7,3 triệu đồng này có tới 1,9 triệu đồng phụ cấp, còn lại 5,4 triệu đồng là thu nhập ròng”.

Theo báo cáo của Tổng giám đốc EVN, năm 2011, ngoài khoản lỗ trên 10.000 tỷ đồng do kinh doanh điện, khoản lãi từ các ngành hàng khác đã giảm lỗ xuống khoảng 8.000 tỷ đồng; EVN còn lỗ thêm khoảng 15.000 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá.

Đây không phải lần đầu tiên, lãnh đạo “nhà đèn” phát ngôn gây sốc theo kiểu phản cảm. Tháng 7/2010, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đào Văn Hưng cũng gây xôn xao dư luận với tuyên bố “có cắt điện hay không chỉ Ngọc Hoàng mới trả lời được”. Vài tháng sau phát ngôn của ông Hưng, lãnh đạo Bộ Công thương đã đăng đàn nhắc nhở ngành điện cần có cách ứng xử, lời nói phù hợp.

ĐBQH Nguyễn Minh Hồng: “Tôi cũng không biết vì sao cần có Luật Nhà văn”
“Tôi cũng không biết Luật Nhà văn sẽ điều chỉnh những gì”. Những phát biểu trên được đưa ra bởi chính người đã đề xuất xây dựng Luật Nhà văn trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Minh Hồng (đoàn Nghệ An). Theo giải thích của vị ĐBQH này, Luật Nhà văn không phải là sáng kiến của ông mà là của Hội Nhà văn, do Chủ tịch Hữu Thỉnh đứng đầu. Ông Hồng chỉ thực hiện lời hứa với Hội Nhà văn là sẽ đưa đề xuất trên ra trước Quốc hội. Đại biểu Hồng cho biết thêm, tên đầu tiên trong tờ trình đề xuất xây dựng luật là Luật phát triển văn học.
ĐBQH Nguyễn Minh Hồng. Ảnh: Đại biểu nhân dân.

Mặc dù theo giải thích của đại biểu Nguyễn Minh Hồng, luật này sẽ bảo vệ quyền lợi cho các nhà văn, nhưng ngay khi biết thông tin dự luật này được đề xuất trước Quốc hội, nhiều nhà văn đã lên tiếng phản đối.

Quốc hội khóa XIII đã quyết định rút dự án Luật Nhà văn và hai dự án Luật Bảo vệ quyền riêng tư, Luật Bảo vệ sức khỏe tâm thần khỏi chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa này.
ĐBQH Đỗ Văn Đương: “Tôi không nghĩ lạm phát ở nước ta cao nhất khu vực”
Tại buổi thảo luận toàn thể về tình hình kinh tế xã hội, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, trong phần phát biểu của mình, gần 50 đại biểu bày tỏ sự lo lắng về tình hình lạm phát của nước ta đang ở mức rất cao. Tuy nhiên, không khí nghị trường đột ngột thay đổi khi đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP HCM) mở đầu bài phát biểu: “Tôi không nghĩ lạm phát ở nước ta cao nhất khu vực!”
ĐBQH Đỗ Văn Đương. Ảnh: Bee.

“Theo tôi phải xem lại chỗ này. Tôi đi các nước thấy giá tiêu dùng đắt đỏ, một đĩa rau muống xào ở Thượng Hải tới 200 nghìn đồng, nhưng ở Việt Nam chỉ mấy chục nghìn. Trong nước tôi đi chợ rau muống ở đô thị có thể 5.000 đồng/mớ, đi xuống vùng nông thôn chỉ 2.000, xuống nữa có khi rẻ hơn. Tôi thấy gần đây giá cả giảm, giá sắt thép giảm hơn, nhà thu nhập thấp ít người mua hơn, đề ra nhà thu nhập cho người trung bình, tới đây có lẽ là nhà thu nhập cao. Rất nhiều hàng hóa của mình được giảm giá, đồng tiền của mình về Việt Nam được tự do, có giá trị. Cần xem lại đánh giá chỉ tiêu lạm phát này xem có đúng không, theo tôi không phải là cao nhất”.

Phát biểu của đại biểu Đỗ Văn Đương khiến cả hội trường cười ồ vì khi đó, lạm phát đang tăng cao, vượt xa mức dự báo (7%). Nhiều ý kiến cho rằng đại biểu Đỗ Văn Đương rất xa rời thực tế khi đưa ra những nhận định như trên về lạm phát ở Việt Nam. .


Nhân vật tiêu biểu của năm (SGTT/Time, SFGate, CSM).
– Quan chức năm 2011: Phát ngôn ‘choáng’, hành động ‘hoảng’(DĐDN)Có thể nói, sau khi Quốc hội khóa XIII bầu ra một loạt thủ trưởng mới của các bộ ngành vào tháng 8/2011, xã hội đã được chứng kiến một luồng gió đổi mới từ các tân bộ trưởng với những phát ngôn và hành động thực sự gây ‘sốc’ trong năm 2011.
"Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được Nhà nước"
Tại hội thảo về điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường hồi tháng 9, sau khi đại diện của Bộ Công Thương và một số doanh nghiệp lên tiếng phê phán Bộ Tài chính về quyết định giảm giá bán lẻ xăng dầu 500 đồng hồi cuối tháng 8, Bộ trưởng Tài chính Vương Định Huệ thẳng thắn: "Tôi ra quyết định giảm giá và tôi chịu trách nhiệm cá nhân".
Doanh nghiệp xăng dầu cho rằng quyết định giảm quá bất ngờ và nó không phản ánh đúng thực tế của thị trường, bởi thực tế doanh nghiệp đang lỗ. Bác bỏ lại quan điểm này, người đứng đầu ngành tài chính tuyên bố, với kinh nghiệm 10 năm kiểm toán ông thuộc các số liệu lỗ lãi của doanh nghiệp như lòng bàn tay. Tại thời điểm giảm giá xăng dầu, số liệu cập nhật từ hải quan cho thấy, Petrolimex đã lãi tới 780 đồng mỗi lít xăng, sau khi đã tính đủ các chi phí và cả 300 đồng lợi nhuận định mức mà Chính phủ cho phép.  
"Bộ Tài chính luôn theo sát và không bỏ qua doanh nghiệp nào cả. Nếu cách điều hành của chúng tôi gây thiệt hại cho doanh nghiệp chúng tôi chịu trách nhiệm và bồi thường. Những vấn đề do Nhà nước điều hành khách quan dẫn đến tình trạng thua lỗ của doanh nghiệp, Nhà nước sẽ hoàn toàn có trách nhiệm để bù đắp, nhưng bù đắp những chi phí hợp lý chứ không thể nào đi gánh những khoản bất hợp lý của thị trường” - Bộ trưởng Huệ khẳng định.

Theo ông, sở dĩ giá xăng dầu chưa thể "thả" theo thị trường ngay được vì vẫn còn tồn tại độc quyền, bởi vậy nếu các doanh nghiệp lớn "đi đêm" với nhau thì doanh nghiệp khác chết, người tiêu dùng sẽ chịu thiệt.
Sau lời tuyên bố thẳng thắn, Bộ Tài chính đã có "trát" yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo lỗ lãi, các hoạt động kinh doanh đồng thời Bộ trưởng Huệ  đưa ra tuyên bố khá cương quyết:“Nếu doanh nghiệp nào thấy lỗ quá không làm được thì rút lui. Kể cả Petrolimex, nếu không làm được chúng tôi sẵn sàng cho giải tán để lập tổng công ty khác. Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được nhà nước”.

Câu phát ngôn thẳng thắn và hành động dấn thân quyết liệt tấn công thẳng vào lợi ích nhóm lâu nay nói trên của tân bộ trưởng đã làm nức lòng người dân cả nước.
"Không chơi golf, kể cả trong ngày nghỉ"
Sau hai tháng được ngồi vào ghế nóng Bộ trưởng Giao thông Vận tải, ông Đinh La Thăng đã đề xuất hàng loạt giải pháp chống ùn tắc giao thông kèm với đó là những "quân lệnh thép" nhằm sốc lại tinh thần ngành. Trong đó, đình đám nhất phải kể đến việc người đứng đầu ngành giao thông ra văn bản yêu cầu lãnh đạo thuộc Bộ khuyến cáo không chơi golf, kể cả vào ngày nghỉ để tập trung làm việc. 
Quy định của Bộ trưởng giao thông nhận được nhiều lời khen chê lẫn lộn. Nhiều người cho rằng, đây là môn thể thao thuộc hàng đại gia tốn kém nhiều thời gian, tiền bạc và công sức. Thậm chí, một số ý kiến cực đoan hơn còn khẳng định, golf là môn cá cược trá hình, sau mỗi cú vung gậy là hàng chục nghìn đôla, nên việc cấm chơi golf là quyết định sáng suốt. Ngược lại, cũng không ít người phản đối golf là môn thể thao hữu ích, nên việc cấm chơi golf là vi phạm quyền tự do cá nhân
Là người trực tiếp đưa ra quân lệnh thép, trước phản ứng dư luận, Bộ trưởng Thăng khẳng định, đây là quy định trong ngành giao thông, nó cũng giống quy định cán bộ đảng viên không được uống rượu, hát karaoke. Còn tự cán bộ phải tự giác thực hiện và giám sát lẫn nhau. "Chơi thể thao nói chung, chơi golf nói riêng là tốt, song trong bối cảnh đất nước khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp còn khó khăn thì cần phải tập trung trí tuệ, thời gian cho công việc", ông Thăng nói.
Không những vậy, ông Thăng còn được biết đến là người “trảm” tướng nhiều nhất và quyết liệt với tiến độ công trình. Mới chỉ ngồi ghế nóng bộ trưởng được 4 tháng, nhưng ông Thăng đã trực tiếp hoặc gián tiếp‘trảm’ gần chục tướng và vụ mở màn là vụ trảm tướng điều hành dự án xây dựng nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Và gần đây nhất, ngày 1/12, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ký Quyết định Thành lập Đoàn công tác kiểm tra chất lượng 5 dự án giao thông trọng điểm trên cả nước nhằm làm rõ vi phạm từng dự án, để quy trách nhiệm cụ thể của từng người, từ đó xử đúng người, đúng tội, không chỉ với cấp dưới mà cả cán bộ cấp trên nếu có vi phạm. Chính thái độ thẳng thắn, quyết liệt, không nhượng bộ, bao che của vị tân bộ trưởng đã khiến những người vốn quen làm ăn theo lối trì trệ ở Bộ GTVT phát hoảng. Họ hiểu rằng nếu không thay đổi sẽ không có đất để tồn tại.
 “Quan điểm của tôi là phải xử lý thật nặng, thật nghiêm những vi phạm của các cá nhân và đơn vị thực hiện Dự án, đây là việc làm cần thiết nhằm tạo lòng tin cho nhân dân”, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.
"Lương Bộ trưởng 40 năm mới mua được nhà thu nhập thấp"  
Sau khi hàng loạt dự án nhà thu nhập thấp như  Đặng Xá, Kiến Hưng, Ngô Thì Nhậm, Sài Đồng chào bán với giá gần 10 triệu đến 13,27 triệu đồng mỗi m2, nhiều người cho rằng mức này quá cao, vượt khả năng chi trả của lao động nghèo. Có người theo đuổi, tích lũy 15 năm ròng mới mua được nhà. Có trường hợp sau nhiều tháng ngày ròng rã chờ vận may nhưng đến khi trúng suất mua lại phải từ chối vì không kham nổi. 
Chia sẻ về mức giá nhà thu nhập thấp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam tại một hội thảo tổ chức hồi tháng 8 đã đăng đàn khẳng định, "Nếu chỉ trông chờ vào đồng lương, đừng nghĩ đến chuyện mua nhà. Cỡ như Bộ trưởng, chúng tôi tính còn 40 năm mới mua được". 
Tuy nhiên, Thứ  trưởng cũng cho biết nhà thu nhập thấp là loại nhà rẻ hơn nhà thương mại chứ không nhằm mục đích mua được bằng tiền lương vì phần lớn nhà này được xây bằng tiền DN vay của ngân hàng với lãi suất cao (nhưng lãi suất Nhà nước quy định cho DN lại khống chế 10%) nhưng do ưu đãi của Nhà nước và khống chế lợi nhuận, giá nhà thu nhập thấp chỉ bằng 1/2 giá thị trường. Giá như thế là quá tốt. 
Thứ trưởng còn hóm hỉnh ví von: Anh thu nhập không đủ mua nhà thì không phải tìm cách dìm giá nhà xuống , mà phải từng bước tăng thu nhập lên. Làm sao phát triển kinh tế, tăng thu nhập của người dân đáp ứng thị trường. Chẳng lẽ chúng ta đòi ô tô, ti vi phải rẻ, làm sao mà rẻ được, mà anh phải giàu lên chứ. 
Tháng 9, lãi sut có thgim vmc 17-19%/năm
Ngay sau khi chính thức nhậm chức, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã có tuyên bố làm giới doanh nghiệp yên tâm phần nào: “Chính sách tiền tệ không phải thắt chặt, mà là chặt chẽ để đảm bảo kìm chế lạm phát, nhưng cũng đảm bảo để tăng trưởng kinh tế hợp lý… Từ tháng 9, lãi suất có thể giảm về mức 17-19%/năm và ngay trong tháng 8 sẽ tung ra một loạt các biện pháp kinh tế chứ không còn là các biện pháp hành chính đơn thuần như trước đây”.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, tuyên bố vẫn chỉ là tuyên bố vì thực tế vẫn chưa có động thái gì mới. Lý giải cho động thái này, Thống đốc Bình cho biết tại phiên trả lời chất vấn ngày 24/11 rằng mức trần lãi suất hiện nay được xây dựng vào cuối năm 2010. Vào thời điểm đó, mức trần này hoàn toàn đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền do kỳ vọng lạm phát 2011 là 7% và từ tháng 8 trở đi thì mức 14% vẫn còn phù hợp vì mục tiêu lạm phát 2012 là một con số. Nhưng Thống đốc vẫn khẳng định chắc chắn, chỉ cần mức lạm phát của tháng 11 giảm 1% sẽ xem xét hạ trần lãi suất huy động cũng như bộ lãi suất điều hành của NHNN. Hiện nay thị trường vẫn đang nín thở chờ động thái tiếp theo của Thống đốc.
TT– Quan chức năm 2011: Phát ngôn ‘choáng’, hành động ‘hoảng’(DĐDN). 
-Người phát ngôn BNG: ‘Trung tâm cai nghiện là biện pháp nhân văn’ (ĐV).  –Những phát ngôn ấn tượng nhất trong năm 2011 (GDVN).  – Những phát ngôn đình đám của quan chức năm 2011 (VNE).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét