Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Doanh nghiệp xăng dầu tự tung tự tác


Bộ Tài chính ngày 19.12 đã công bố kết quả kiểm tra tại 4 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối là Petrolimex, PV Oil, Sài Gòn Petro và Petimex.

Công bố này cho thấy doanh nghiệp không chỉ báo cáo “chưa đúng” số lỗ, mà còn tự ý trích hoa hồng quá cao để “nuôi” đại lý thay vì chia sẻ gánh nặng với người tiêu dùng bằng cách giảm giá. Điều này làm giảm lãi, tăng lỗ của doanh nghiệp. Đặc biệt tình trạng bán hàng dưới giá vốn cho các Cty thành viên, đại lý khiến dư luận đặt câu hỏi liệu có sự chuyển giá trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này?
Petrolimex đã báo cáo lỗ hơn 1.800 tỉ đồng, trong khi con số lỗ của DN này mà Bộ Tài chính công bố hôm 19.12 chỉ là hơn 1.300 tỉ đồng.   Ảnh:Giang Huy
Petrolimex đã báo cáo lỗ hơn 1.800 tỉ đồng, trong khi con số lỗ của DN này mà Bộ Tài chính công bố hôm 19.12 chỉ là hơn 1.300 tỉ đồng. Ảnh:Giang Huy
Lộn xộn trích hoa hồng

Kết quả kiểm tra tại 4 DN cho thấy mức trích hoa hồng cho đại lý thực hiện khá lộn xộn, mỗi DN thực hiện một kiểu, mỗi thời điểm trích một mức khác nhau. Thậm chí, thời điểm giữa năm đã xảy ra cuộc đua tăng hoa hồng cho các đại lý trong cuộc cạnh tranh thị phần. Cụ thể, tại Petrolimex, mức trích hoa hồng mặt hàng xăng thấp nhất là 210 đồng/lít ghi nhận hồi tháng 3.2011, đến tháng 6.2011 tăng lên đến 630 đồng/lít. Đối với mặt hàng dầu tăng từ 130 đồng/lít hồi tháng 3.2011 lên 803 đồng/lít tháng 6.2011.

Tình trạng này xảy ra tương tự tại Sài Gòn Petro khi có thời điểm DN này tăng trích hoa hồng cho đại lý lên tới 714,36 đồng/lít; thậm chí có lúc là 728,77 đồng/lít. Petimex là DN nhỏ nhất và lỗ nhiều nhất trong số này, thế nhưng Petimex lại là DN dẫn đầu trong cuộc đua khi tăng hoa hồng cho các đại lý từ 277,18 đồng/lít trong 5 tháng đầu năm lên 859,68 - 867,29 đồng/lít từ 1.6-26.8.
DN kinh doanh xăng dầu đã trích hoa hồng cho đại lý thay vì giảm giá. Ảnh:?Giang Huy
DN kinh doanh xăng dầu đã trích hoa hồng cho đại lý thay vì giảm giá. Ảnh:?Giang Huy
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng: “Dù tiếng là điều hành giá xăng dầu thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý nhà nước, nhưng thực tế thị trường lại đang do DN, nhóm DN thống lĩnh thị trường chi phối, nên trong một vài trường hợp DN tự ý tăng thù lao đại lý để tạo sự cạnh tranh không bình đẳng”. Bên cạnh đó khi giá xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, ngày 23.9.2008, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 32/2008/QĐ-BCT tạo “cơ chế” cho DN tự do thỏa thuận với các đại lý trong thực hiện chi phí và hoa hồng.

Trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính cũng nhận được phản hồi của DN khi cho rằng định mức 600 đồng/lít trên là không còn phù hợp trong bối cảnh trượt giá. Tuy nhiên, thực tế là mức thù lao này có thời điểm lên tới gần 1.000 đồng/lít nhưng có thời điểm chỉ hơn 100 đồng/lít. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng lập luận trên là chưa hợp lý.


Ai thiệt - ai chịu trách nhiệm?


Trước câu hỏi: Vậy khi DN chi thù lao cho đại lý vượt định mức làm giảm lãi, tăng lỗ thì ai chịu trách nhiệm, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa khẳng định: NTD không phải chịu, Nhà nước cũng không cấp bù mà DN phải tự trang trải(?).


Tuy nhiên, Thứ trưởng Mai cũng cho rằng, như vậy là DN chưa chia sẻ khó khăn với Nhà nước và NTD trong bối cảnh lạm phát cao, kinh tế khó khăn, người dân và mọi ngành nghề ra sức tiết giảm chi phí. Thêm nữa, khi chi phí kinh doanh của DN tăng cao sẽ làm giảm lãi/tăng lỗ của DN khiến tình hình tài chính không lành mạnh và ảnh hưởng tới nguồn thu thuế. Các chuyên gia đặt câu hỏi: Chẳng lẽ, việc NTD không được hưởng mức giá thấp hơn thì “chưa phải” là một thiệt thòi?


Hơn nữa, đoàn kiểm tra còn cho biết các DN chưa chủ động nỗ lực tiết giảm chi phí hao hụt nhiên liệu để giảm lỗ và còn khấu hao tài sản cố định ở mức tối đa trong khung thời gian tối thiểu. Bên cạnh đó, các DN còn tiến hành bán hàng dưới giá vốn cho các đơn vị thành viên và các tổng đại lý dẫn tới tình trạng “Cty mẹ lỗ nhưng Cty con lãi”.

 Vấn đề này đặt ra câu hỏi: Liệu có hiện tượng chuyển giá trong trường hợp này không? Ông Lê Hoàng Hải - Cục phó Cục Tài chính DN cho rằng... chưa có kết luận. “Sau khi kiểm tra, chúng tôi đã yêu cầu DN điều chỉnh giảm lỗ ở Cty mẹ và giảm lãi ở Cty thành viên” - ông Hải nói.   
Không lỗ như doanh nghiệp kêu
Theo Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2011, Petrolimex lỗ 1.318 tỉ đồng (DN này báo cáo lỗ 1.840 tỉ đồng). Petimex lỗ 136 tỉ đồng; PV Oil lỗ 346 tỉ đồng và Sài Gòn Petro lãi 156 tỉ đồng. Từ 1.7 đến 26.8.2011, Petrolimex ước lãi 130 tỉ đồng; Saigon Petro báo cáo lỗ 44,6 tỉ đồng, nhưng nếu thực hiện chi phí theo chi phí kinh doanh định mức để tính giá cơ sở thì có lãi 48 tỉ đồng; tương tự, Petimex báo lỗ 55,23 tỉ đồng, nhưng nếu thực hiện chi phí theo định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở thì có lãi 22 tỉ đồng.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét