Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

Nhiều công cụ giảm nghèo lỗi thời

(VOV) - Tốc độ giảm nghèo thời gian gần đây chậm lại, và phát sinh nhiều nguy cơ mới gây tái nghèo hoặc xuất hiện loại nghèo mới ở Việt Nam.
Tuyên bố về giảm nghèo tại Việt Nam trong Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) diễn ra tại Hà Nội hôm 6/12 cho thấy, trong 15 năm qua, ước tính có 28 triệu người Việt Nam đã thoát nghèo. Tỷ lệ nghèo tính theo chuẩn nghèo của Tổng cục Thống kê và Ngân hàng thế giới giảm từ 58% năm 1993 xuống 14% năm 2008.
Tuy nhiên, tốc độ giảm nghèo đang bị chậm lại. Bên cạnh một bộ phận không nhỏ người nghèo trở thành “nghèo kinh niên”, đang xuất hiện loại nghèo mới có tính chất gắn với “đô thị hoá”.
Loại nghèo mới gắn với đô thị hoá...
Trong nhóm đối tượng nghèo ở Việt Nam hiện nay, “có gần ½ trong số những đối tượng được coi là nghèo kinh niên (47,3%) là những nhóm dân tộc thiểu số và con số này đang tăng, 63% những đối tượng nghèo nhất là đồng bào dân tộc thiểu số”(Tuyên bố về giảm nghèo tại Hội nghị CG).
Phát triển khu công nghiệp không hợp lý là một nguyên nhân cản trở giảm nghèo

Mặc dù Chính phủ đã đầu tư nguồn tài chính đáng kể vào các chương trình mục tiêu nhằm giảm nghèo, đặc biệt là ở nhóm dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, các chương trình giảm nghèo hướng vào nhóm đối tượng này không được thành công như đối với các cộng đồng người đa số (người Kinh).
Theo kết quả điều tra mới đây của Viện Khoa học xã hội Việt Nam liên quan đến giảm nghèo, tốc độ giảm nghèo đang có xu hướng chậm lại. Và quá trình giảm nghèo trên cả nước trong thời gian tới có thể sẽ khó khăn hơn do nhiều nguyên nhân, như: Tỷ lệ giảm nghèo ở mức thấp, phần lớn những hộ nghèo thuộc nhóm nghèo kinh niên khó tác động thông qua tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, tăng trưởng kinh tế vài năm gần đây bị chậm lại cũng cản trở quá trình giảm nghèo. Tỷ lệ hộ cận nghèo có xu hướng gia tăng.  
Riêng về nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ nghèo cao và khó cải thiện, thường phải đương đầu với những rào cản đặc trưng về xã hội học và văn hoá bản địa. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức của đồng bào về thực trạng nghèo của mình và động lực thoát nghèo.
Cạnh đó, trước nay chúng ta có thói quen nghĩ cái nghèo thường tồn tại phần lớn ở khu vực nông thôn, nhưng xu hướng đô thị hoá và việc di cư ra các đô thị đang tạo ra các dạng nghèo mới có tính chất đô thị. Những dạng nghèo này khó nhận biết hơn và có thể bị bỏ sót từ các cuộc thống kê về nghèo.
Biểu hiện dễ thấy ở mặt trái của đô thị hoá là không ít nông dân bỗng chốc trở nên giàu có nhờ tiền đền bù giải phóng mặt bằng, nhờ bán ruộng đất,... Nhưng không lâu sau đó, phần lớn họ rơi vào cảnh bi đát hơn trước. Nguyên nhân do họ hội nhập vào thế giới của “những nhà giàu” một cách chóng vánh nên “dính” tệ nạn xã hội, cờ bạc, sao nhãng lao động sản xuất dẫn đến bi kịch gia đình, ảnh hưởng xấu đến xã hội. Hơn nữa, thiếu việc làm hoặc không thể làm được những việc mà đô thị hoá, công nghiệp hoá đòi hỏi dẫn đến tái nghèo, nhưng ở trạng thái kiểu “người nghèo sở hữu nhà tầng”.
Chuẩn nghèo thấp hơn quốc tế
Tốc độ giảm nghèo chững lại cho thấy các công cụ và cơ chế được áp dụng từ trước tới nay cho mục đích giảm nghèo đã tỏ ra không còn thực sự phù hợp trong điều kiện mới.
Theo đánh giá của bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú của LHQ tại Việt Nam: “Để giải quyết hiệu quả giảm nghèo kinh niên và nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số, cần một nỗ lực dài hạn. Một mức độ tăng trưởng kinh tế nhất định sẽ đóng vai trò thiết yếu đối với công tác giảm nghèo. Cần triển khai thiết thực mô hình tăng trưởng kinh tế mới, tăng trưởng xanh, phát triển cân bằng giữa thành thị và nông thôn, tạo việc làm cho người nghèo”.
Hằng ngày, người nghèo phải đương đầu với những khó khăn nghiêm trọng, bao gồm tiếp cận với nhà ở, vệ sinh, dịch vụ và hội nhập xã hội. Họ cũng dễ bị tổn thương hơn khi có những cú sốc kinh tế và lạm phát.
Trong số những giải pháp đưa ra nhằm giảm nghèo, các chuyên gia cho rằng, hệ thống bảo trợ xã hội phải được rà soát lại và hiệu chỉnh để bao hàm các dạng nghèo đang xuất hiện và tăng cường vai trò của hệ thống bảo trợ xã hội trong việc ngăn chặn tình trạng tái nghèo. Việc này phải được làm song song với việc tái cơ cấu nền kinh tế.
Thực tiễn nhu cầu xã hội, đặc biệt là chính sách an sinh xã hội cho thấy, bất kể ở thành thị hay nông thôn, tất cả người nghèo phải được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản và phù hợp với khả năng, bao gồm cả y tế và giáo dục.
Theo Báo cáo mới đây của Bộ LĐ, TB &XH, hệ thống an sinh xã hội thời gian qua dựa trên 3 nhóm giải pháp: phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu rủi ro, khắc phục rủi ro. Trong đó, gắn với người nghèo thì phòng ngừa bằng cho vay ưu đãi, hỗ trợ học nghề và làm nhà ở, tạo việc làm; giảm thiểu rủi ro bằng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; khắc phục rủi ro bằng hỗ trợ đột xuất về tiền mặt và ưu đãi dịch vụ.
Tuy nhiên, các chính sách chủ yếu mang tính xử lý tình huống, chưa đặt trong hệ thống, nhiều chính sách trợ giúp xã hội chưa dựa trên mức sống tối thiểu, mức độ bao phủ thấp và thủ tục còn rườm rà.
Trong khi đó, theo Tuyên bố của các tổ chức LHQ tại Việt Nam mới đây: “Chuẩn nghèo chính thức của Việt Nam hiện ở mức thấp so với các tiêu chuẩn quốc tế, và thấp hơn hầu hết các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Một số nhóm dân cư, ví dụ như người di cư trong vòng dưới 6 tháng, không được tính vào các cuộc khảo sát cấp quốc gia, và điều này cũng gây ảnh hưởng đến việc tính toán tỷ lệ đói nghèo”.
Theo chuẩn nghèo quốc tế do Ngân hàng thế giới đưa ra là 1,25 USD/ngày thì tỷ lệ nghèo của Việt Nam năm 2008 là 21%. Số liệu của Tổng cục Thống kê qua điều tra về mức sống Hộ gia đình năm 2010 cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo là 10,7% nếu áp dụng chuẩn nghèo tại thời điểm đó, và tăng lên 14,2% khi áp dụng chuẩn nghèo chính thức được đưa ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015.
Trước thực trạng này, các đối tác phát triển của Việt Nam đang quan ngại rằng, biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô và giảm thâm hụt ngân sách hiện thời dẫn đến việc cắt giảm chi tiêu xã hội chắc chắn có tác động đến giảm nghèo.
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011- 2015 đề cập đến tầm quan trọng của xoá nghèo, đặc biệt là tại các huyện nghèo hơn, nhưng không nêu rõ các biện pháp cho phép Việt Nam đạt được các mục tiêu về xóa nghèo và công bằng xã hội sẽ là một hạn chế cho thực thi giảm nghèo./.
Xuân Thân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét