Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

Petrolimex: Thoải mái chi hoa hồng, lỗ dân chịu

(PLTP) Chưa giảm giá xăng dù giá thế giới đã giảm trong 30 ngày qua. Theo Bộ Tài chính, tính đến tháng 6-2011, Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) lỗ 1.840 tỉ đồng từ kinh doanh xăng dầu. Trong đó có đến hơn 516 tỉ đồng chi hoa hồng cho các đại lý vượt quy định.

Lẽ ra việc chi quá này phải bị truy thu thì Bộ Tài chính lại tính gộp vào khoản lỗ của tập đoàn. Vì thế, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), khẳng định: Petrolimex phải chịu trách nhiệm việc này chứ không thể bắt người dân gánh khoản chi trên.
Lỗ vì chi vượt khung
Công văn ngày 25-11 của Bộ Tài chính cho thấy: Báo cáo quyết toán hợp nhất sáu tháng đầu năm 2011 của Petrolimex (gồm văn phòng tập đoàn và 42 công ty thành viên) thì kinh doanh xăng dầu lỗ 1.840 tỉ đồng. Nguyên nhân của khoản lỗ này là do Petrolimex trả thù lao cho đại lý vượt định mức và tỉ giá ngoại tệ tăng.
Với khoản lỗ do tăng tỉ giá ngoại tệ, cơ quan chức năng phân tích: Tính đến 15-9, lượng ngoại tệ nhập xăng dầu mà Petrolimex phải vay, mua để thanh toán cho nhà cung cấp xăng dầu nước ngoài là gần 4 tỉ USD, trong đó sáu tháng đầu năm gần 3 tỉ USD. Trong thời gian đó, tỉ giá ngoại tệ biến động và bình quân trong sáu tháng đầu năm, 1 USD nhập khẩu xăng dầu gánh khoản lỗ gần 500 đồng. Tính ra, khoản lỗ phát sinh chênh lệch tỉ giá là hơn 1.400 tỉ đồng (chiếm 77,5% trong khoản lỗ 1.840 tỉ đồng).
Số lỗ còn lại (hơn 516 tỉ đồng) là do Petrolimex chi phí hoa hồng cho đại lý cao hơn định mức quy định (600 đồng/lít với xăng, diesel, dầu hỏa; 400 đồng/kg với mazút).
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Petrolimex bị lỗ do trả thù lao cho đại lý vượt định mức và tỉ giá ngoại tệ tăng. Ảnh: HTD
Petrolimex phải gánh?
Nhận xét về các khoản lỗ của Petrolimex, ông Nguyễn Tiến Thỏa nói hơn 516 tỉ đồng nêu trên là khoản chi vượt mức quy định so với quy định hiện hành. Đây không thể xem là khoản lỗ của Petrolimex trong kinh doanh xăng dầu. Khoản chi vượt này do Petrolimex tạo ra thì họ phải chịu trách nhiệm. Chúng ta không thể lấy ngân sách, quỹ bình ổn để bù vào khoản thất thoát đó. Nói cách khác, người dân không phải gánh khoản chi trên cho DN xăng dầu.
Ở góc nhìn khác, TS Lê Đăng Doanh cho rằng cũng giống như ngành điện, mặt hàng xăng dầu hiện nay đang bị Petrolimex độc quyền, thống lĩnh thị trường. Kinh doanh xăng dầu đang là hoạt động khép kín trong một hệ thống nên không có sự giám sát khâu phân phối giữa nhà cung cấp và đại lý, không ai biết đích thực tổn hao năng lượng ra sao… Hằng năm, các DN này tự tính toán các khoản hao tổn điện năng, năng lượng theo mức mà DN đưa ra, như thế sẽ không khách quan, minh bạch. “Vấn đề kiểm soát độc quyền rất quan trọng vì Chính phủ chưa có quy định cụ thể nào giám sát độc quyền trong trong kinh doanh cũng như tổn thất năng lượng, các chi phí phát sinh. Nhà nước cần có quy định cụ thể giám sát công việc này thay vì để DN tự làm” - ông Doanh nói.
Tăng quỹ bình ổn chứ chưa giảm giá xăng
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, giá xăng dầu thế giới đã xuống. Tính bình quân 30 ngày (từ 27-10 đến 25-11), giá xăng cơ sở thấp hơn giá bán hiện hành 288 đồng/lít. Trong khi đó, giá cơ sở của các mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa, mazút vẫn cao hơn giá bán hiện hành 1.204-1.334 đồng/kg. Mức chênh lệch giá xăng hiện nay chưa đủ lớn để Cục Quản lý Giá đề xuất điều chỉnh giảm. Thay vào đó, Cục tiếp tục giữ nguyên giá bán lẻ xăng dầu, cho các DN đầu mối trích quỹ bình ổn giá, đồng thời tăng thêm 250 đồng quỹ bình ổn xăng.
TRÀ PHƯƠNG

ĐỨC HOÀNG (...dchoag@yahoo.com) (03/12/2011 - 21:33)
Đúng là cái vòng lẩn quẩn, trong tính toán luôn có sự toan tính. Cứ thế mà luôn mồm gào thét kêu lỗ để người tiêu dùng gánh, còn mình thì hân hoan báo cáo lãi. Không hiểu nổi vì không ai giải thích. Sáng ra đổ xăng, may là vẫn có xăng, hú hồn...
  • TRƯƠNG THANH SƠN (voididom...@yahoo.com) (03/12/2011 - 19:09)
    Chính phủ phải cương quyết xóa bỏ tận gốc độc quyền từ cái nhỏ đến cái lớn, và phải công khai minh bạch để người dân bớt khổ và bớt bức xúc, từ đó sẽ tạo thêm niềm tin cho người dân vào phương cách điều hành của chính phủ. Nhất là phải triệt tiêu các nhóm lợi ích đang ăn trên đầu của dân.
  • VƯƠNG MINH (vuongminh...@yahoo.com.vn) (03/12/2011 - 18:56)
    Tôi thấy ông Huệ nói thấy hay quá mà có làm được hay không? Hay giống như mấy bộ trước kia, rồi mấy ông cũng lên chức? Tôi đề nghị ông lãnh đạo nào thuộc doanh nghiệp nhà nước làm thua lỗ một cách bất thường đem tử hình, tịch thu tài sản thì mới chống được nạn tham nhũng. Nước người ta mấy ông lãnh đạo làm để dân kêu rêu thì họ từ chức, còn nước ta thì...
  • TRAN NHAT LE (trannhatle@...com) (03/12/2011 - 17:13)
    Các cơ quan quản lý rất yếu kém.
  • LE MANH HUNG (Hungle...@yahoo.com) (03/12/2011 - 11:49)
    Đây là đặc trưng của tất cả cái gọi là "tập đoàn kinh tế doanh nghiệp nhà nước", được đặc ân muốn làm gì thì làm, lỗ "dân chịu". Ôi đến bao giờ mới sòng phẳng được nhỉ? Hỏi ai và trách ai đây?
  • PHAN VIẾT THỊNH (phanvietthinh...@yahoo.com.vn) (03/12/2011 - 10:47)
    Ngành điện lực và dầu khí là hai ngành có lợi nhuận cao nhất, lương cao nhất, được ưu đãi nhiều nhất... nhưng lúc nào cũng kêu lỗ nhiều nhất. Đó là một điều hết sức phi lý mà bất cứ ai cũng biết.
    Nếu lỗ là do năng lực quản lý của những người đứng đầu quá yếu kém, còn nếu lời, nhưng tiêu chi cho cá nhân xa xỉ rồi kêu lỗ thì đạo đức quá yếu kém. Nói tóm lại những người như vậy phải bị cách chức. Có như vậy đất nước chúng ta mới phát triển được, nhân dân mới hài lòng.
  • LÊ ANH (leanh...@gmail.com) (03/12/2011 - 09:35)
    Điều này chứng tỏ quản lý nhà nước quá kém. Các cơ quan chức năng giám sát ở đâu, làm gì? Chi hoa hồng vượt khung để nhận "lại quả" chứ tử tế gì.
    Bây giờ rất nhiều người có suy nghĩ rất thực dụng, giao chức vụ lãnh đạo một cơ quan, xí nghiệp... thì tất cả tài sản, vốn... đều là của "mình", làm ăn có lãi tha hồ nhậu nhẹt, tiêu pha, chia chác, còn lỗ thì... nhà nước (nói đúng hơn là dân chịu)!
  • TUẤN (wiliam...@yahoo.com) (03/12/2011 - 09:33)
    Tôi thấy vấn đề dầu khí và điện ở Việt Nam thật khó hiểu và nhức nhối nhưng không một ai giải quyết được. Ngành nào cũng đưa ra báo cáo lỗ, tuy nhiên cuối năm thì các "sếp" được hưởng những khoảng hoa hồng không lỗ chút nào. Trong khi dân thì còng lưng ra mà đóng thuế vì những khoản lỗ vô tội vạ đó.
    Tôi mong Đảng và nhà nước nên có những hành động thiết thực để giải quyết vấn đề này.
  • VÕ VĂN SỰ (vovansu@...vn) (03/12/2011 - 09:21)
    Các công ty này đã là các nhóm lợi ích, họ đang thao túng...
  • TRẦN ĐỨC QUÝ (Tranducquy...@yahoo.com) (03/12/2011 - 08:54)
    Petrolimex lỗ 1.840 tỉ đồng từ kinh doanh xăng dầu, gồm lỗ do phát sinh chênh lệch tỉ giá hơn 1.400 tỉ, còn 516 tỉ do chi hoa hồng cho các đại lý vượt định mức. Số liệu như vậy có chính xác không?

  • NGUYỄN TRƯỜNG GIANG (truonggiang...@yahoo.com) (03/12/2011 - 08:02)
    Độc quyền hai ngành xăng dầu và điện đã làm cho dân khổ rồi, bây giờ còn có chủ trương độc quyền các lĩnh vực khác nữa. Các công ty nhỏ phải sáp nhập vào các công ty lớn. Khổ quá!
  • VINH TRAN (anhvinh...@yahoo.com) (03/12/2011 - 07:48)
    Tất cả chỉ có nói thôi chứ chẳng làm gì được, chỉ có người dân Việt Nam là chịu thiệt.
  • V.TÍNH (v.tnh...@yahoo.com) (03/12/2011 - 07:01)
    Petrolimex được ưu tiên độc quyền mà làm ăn kiểu giả thật lẫn lộn. Xin hãy minh bạch, đừng giả dối với người tiêu dùng nữa các bác ơi.
  • MINH QUANG (...minhquang@gmail.com) (03/12/2011 - 04:54)
    Vừa qua, Bộ Tài chính khẳng định trong 20 ngày sẽ thực hiện thanh tra 4 tổng công ty xăng dầu lớn về chuyện lỗ lãi để công bố trước dư luận. Tuy nhiên đến nay đã hơn hai tháng, Bộ Tài chính vẫn chưa có câu trả lời cụ thể cho dư luận.
  • Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét