Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

Khi Nhà nước dùng "cây gậy"

Tác giả: Mai Quốc Ấn
Sẽ có người đặt ra tình huống nguy hiểm do lưới cuốn hay người vi phạm sợ hãi mà xảy ra tai nạn chết người, thì trước hết người thi hành công vụ phải thông báo đến người dân về các biện pháp trên. Người dân đã biết thông báo thì không nên, không thể vi phạm.
LTS: Mặc dù chủ trương "quăng lưới bắt xe máy" của Công an Thanh Hóa đã dừng lại, nhưng mới đây Tuần Việt Nam nhận được bài viết của tác giả Mai Quốc Ấn, trao đổi xung quanh vấn đề này, với những quan niệm khác với số đông.
Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam xin đăng tải bài viết này. Và mong nhận được nhiều ý kiến đề xuất các biện pháp ngăn chặn hiện tượng đua xe, các hiện tượng vi pháp pháp luật giao thông có hiệu quả hơn nữa. Mặt khác, mong mỏi quý bạn đọc gần xa kiến giải các giải pháp lâu dài- nâng cao chất lượng thi hành công vụ của đội ngũ cảnh sát giao thông.
"Cây gậy" quyền lực và "củ cà rốt"- quyền lợi luôn đi song hành cùng nhau trong qua trình áp dụng quản lý Nhà nước. Thế nhưng "cây gậy" đôi khi bị "gãy" bởi những điều tưởng chừng như rất đúng đắn, thậm chí là đúng với tâm tư nguyện vọng của quần chúng.
Và không phải ai cũng dám dũng cảm đi ngược lại ý kiến số đông...
Tôi phản đối... những ai phản đối
Nhà báo Kỳ Duyên của Tuần Việt Nam cho rằng cách quăng lưới bắt xe của công an tỉnh Thanh Hóa là phương pháp mang tư duy tiểu nông, du kích. Nhà báo lo xa rằng các tình huống quăng lưới có thể dẫn đến tai nạn gây chết người. Đồng tình với ý kiến trên còn có nhiều bạn đọc cũng cho là cách thức này rất ấu trĩ, lợi bất cập hại, làm xấu hình ảnh lực lượng cảnh sát giao thông.
Một đồng nghiệp khác của tôi là nhà báo Thanh Nhã, báo Sài Gòn Tiếp Thị khi trao đổi điều này với luật sư Nguyễn Thanh Lương, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre (người có nhiều năm công tác trong ngành công an) thì nhận được ý kiến sau:
"Hiện nay không có bất kì một quy định nào cho phép ngành công an được thực hiện việc quăng lưới bắt người vi phạm luật giao thông. Bởi lẽ, người vi phạm luật giao thông là vi phạm hành chính chứ không phải tội phạm. Vì vậy cái được gọi là "sáng kiến" của công an Thanh Hoá là không ổn chút nào, nếu không muốn nói là "tối kiến".
Tình huống đáng ngại hơn là khi người vi phạm bị chấn thương, hoặc có thể tử vong vì lưới của cảnh sát giao thông. Lúc này không ai khác, chính người thực hiện quăng lưới phải chịu trách nhiệm. Sau đó người đứng đầu đơn vị có chủ trương trên cũng liên đới."
Có lẽ trước các sức ép ấy, công an Thanh Hóa đã dừng biện pháp trên vô thời hạn trong khi chờ ý kiến cấp trên...
Còn tôi, tôi phản đối ý kiến ấy của mọi người!
Quăng lưới có thể dẫn đến tai nạn gây chết người?
Đại tá Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt (C67) Bộ Công an nhận định trên báo Thanh Niên: "Không ai làm việc này để bắt người vi phạm giao thông bình thường mà là nhằm bắt các đối tượng lạng lách đua xe, là đối tượng vi phạm pháp luật hình sự mà chúng tôi cho rằng đây là cần thiết bởi đấy không khác gì những kẻ giết người".
Không ít trường hợp cảnh sát giao thông đã bị thương, hy sinh khi làm nhiệm vụ chống đua xe. Và chẳng có nơi nào trên thế giới, số người chết vì tai nạn giao thông nhiều như ở Việt Nam. Đến nỗi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải nhấn mạnh rằng chẳng có quốc gia nào có chiến tranh mà số người chết nhiều bằng người chết do tai nạn giao thông ở nước ta.
Số liệu tổng hợp cho thấy trung bình mỗi tháng Việt Nam có 1.000 người chết vì tai nạn giao thông và gần 800 người bị thương cũng vì lý do này. Thật đáng sợ!
Trong đó có bao nhiêu tai nạn do đua xe trái phép, do phóng nhanh vượt ẩu, do thiếu hiểu biết pháp luật hoặc có hiểu biết nhưng cố tình vi phạm?
Khi bạn được giao "cây gậy" quyền lực để trấn áp những người vi phạm thuộc dạng "không khác gì những kẻ giết người", bạn sẽ chọn cách làm nào? Làm đúng theo quy định hành chính (dù nó không thực tế, kém hiệu quả) hay dùng bất cứ phương pháp nào có thể, miễn đạt được hiệu quả.
Tôi nghĩ, nói luôn dễ hơn làm. Và làm thì không dễ được chấp nhận ngay, dù có làm đúng...
Số đông hay số không?
Chưa bao giờ tôi thấy cảnh sát giao thông dễ bị... chửi, đánh hoặc bêu xấu nhiều như hiện nay. Lý do thì cũng đơn giản thôi, hình ảnh cảnh sát giao thông bị cố định trong đầu người dân lâu nay là "núp lùm", là "làm luật", là bảo kê "xe vua"... như báo chí nhiều lần phản ảnh. Và khi hình ảnh quăng lưới bắt xe được đưa lên thì tâm lý số đông, như thường lệ, sẽ phản đối nhiều hơn đồng tình.
Muốn nhận được sự ủng hộ của người dân, hay xa hơn là xóa đi những vết hằn tâm lý về sự không minh bạch của ngành thì có lẽ lực lượng công an cần cố gắng cả một thời gian rất dài nữa.
Những trong vụ việc quăng lưới bắt xe, người viết cho rằng số đông không là tất cả.
Chuyên gia cải cách hành chính Nhà nước Diệp Văn Sơn cho rằng, lực lượng công an có quyền sáng tạo thêm các phương tiện, phương pháp để thực thi nghĩa vụ của mình, miễn là điều đó đem đến hiệu quả an ninh trật tự xã hội. Khi người thi hành công vụ đã tuýt còi mà người vi phạm vẫn bỏ chạy thì anh ta đã cố tình chống lại lực lượng thi hành công vụ và xứng đáng bị phạt nặng hơn.
Trong trường hợp này, để đối phó với người vi phạm luật giao thông và cố tình bỏ chạy, thì ông Diệp Văn Sơn đánh giá lực lượng công an Thanh Hóa đã sáng tạo ra một phương pháp độc đáo để bắt giữ đối tượng là quăng lưới.
Luật chưa đủ nghiêm thì cần bổ sung thêm, phương pháp cũ chưa hiệu quả thì sao không dùng phương pháp mới? Luật còn dậm chân tại chỗ trong khi đời sống luôn biến thiên rất nhanh, thì kể cả vượt qua áp lực từ ý kiến số đông cũng nên làm những phương án mới sao cho đảm bảo an toàn xã hội.
Lưới ở đây chỉ là một loại phương tiện, phương tiện ấy chưa có trong luật mà áp dụng hiệu quả thì nên đưa vào luật.
Sẽ có người đặt ra tình huống nguy hiểm do lưới cuốn hay người vi phạm sợ hãi mà xảy ra tai nạn chết người, thì trước hết người thi hành công vụ phải thông báo đến người dân về các biện pháp trên. Người dân đã biết thông báo thì không nên, không thể vi phạm.
Theo tôi, không nên quá cứng nhắc mà cần phải mạnh tay hơn với các đối tượng thuộc diện "lờn thuốc".
Không thể nhẹ tay với những người vi phạm thuộc diện "không khác những kẻ giết người"!
Nhưng như đã nói ở trên, sự không đồng thuận của số đông đã ăn vào quán tính suy nghĩ của số đông ấy. Khi nào cảnh sát giao thông còn bị gắn với những hình ảnh nhân viên công vụ thực hiện những hành vi không minh bạch, thì chừng ấy số đông người dân vẫn coi quăng lưới bắt xe là phản cảm.
Lớn hơn nữa là bất kỳ phương thức nào để xử lý người vi phạm cho hiệu quả nhất cũng sẽ chịu chung số phận.
Nguyên thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm từng băn khoăn: "Không hiểu ngoài đường có cái gì mà ai cũng xung phong ra đứng đường". Người dân hiểu, lực lượng cảnh sát giao thông hiểu nhưng nếu được đứng đường thì vẫn có người thích xung phong. Đứng đường có rét, có nắng, có gió nhưng cũng có... "cái đó đó".
Luật chưa đủ nghiêm thì cần bổ sung thêm, phương pháp cũ chưa hiệu quả thì sao không dùng phương pháp mới? Luật còn dậm chân tại chỗ trong khi đời sống luôn biến thiên rất nhanh, thì kể cả vượt qua áp lực từ ý kiến số đông cũng nên làm những phương án mới sao cho đảm bảo an toàn xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét