Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Thứ trưởng Bộ Y tế có bằng 'dỏm': Người xác minh nói gì

(VTC News) – Xung quanh câu hỏi văn bằng Tiến sĩ của ông Quang giả hay thật, vẫn còn nhiều bằng chứng cho thấy vấn đề này chưa thể ngã ngũ.

Lùm xùm chuyện Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang
» Kỷ luật cảnh cáo Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang
» Thủ tướng chỉ đạo làm rõ vụ Thứ trưởng Cao Minh Quang
» Thứ trưởng Cao Minh Quang là tiến sĩ "rởm"
» Bộ Y tế vào cuộc vụ Thứ trưởng Cao Minh Quang
» Ai chuyển tiền tỷ cho Thứ trưởng Cao Minh Quang?



GS.TSKH Nguyễn Văn Dịp

Để làm rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã gặp GS.TSKH Nguyễn Văn Dịp, Nguyên Vụ Trưởng Vụ Khoa học & Đào tạo Bộ Y tế, Nguyên thường trực Hội đồng Giáo dục Bộ Y tế, Hiệu Trưởng Trường Trung cấp Y Dược Phạm Ngọc Thạch, từng được giao nhiệm vụ xác nhận văn bằng của ông Quang nhiều năm trước đây.

Trước những thông tin cho rằng bằng Tiến sĩ của ông Cao Minh Quang không được công nhận, GS Dịp nói:

Trong thời gian vừa qua, thông qua các nguồn tin của báo đài tôi được biết đã có ý kiến về văn bằng “Licentiate of Pharmaceutical Sciences” của anh Quang. Tôi nhận thấy kết luận là chưa hợp với thực chất của vấn đề.

Là người đã từng xác nhận về tính xác thực văn bằng Tiến sĩ của ông Quang, ông có luận cứ nào để chứng minh điều đó?

Anh Quang trúng tuyển kỳ thi nghiên cứu sinh của Trường Đại học Y dược, TP.HCM niên khóa 1991-1995, đã triển khai nghiên cứu chuyên đề chiết suất các hóa hợp chất tự nhiên từ các nguồn dược liệu trong nước.

Đề tài này do hai thầy hướng dẫn là GS. Nguyễn Kim Hùng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược TP.HCM và PTS Đặng Văn Hòa, giảng viên Trường Đại học Dược Hà Nội.

Đề tài nghiên cứu này được xác định là có thể bảo vệ luận án Tiến sĩ trong năm 1995 nếu như nghiên cứu sinh (NCS) đáp ứng được các yêu cầu về công trình nghiên cứu theo quy định.

Sau đó anh Quang nhận được học bổng tiếp tục thực hiện đề tài nghiên cứu tại Trường Đại học Uppsala Thụy Điển.

Với nghiên cứu và chiết suất, xác định cấu trúc hoá học của 6 hoạt chất từ cây cao bỏng Choerospondias axillaris (là cây B76 được sử dụng rộng rãi trong kháng chiến chống Mỹ để trị bỏng từ bom Napal cuả Mỹ) có tác dụng kháng viêm và kháng khuẩn, Đại học Uppsala Thụy điển đồng ý cho anh Quang bảo vệ luận án.

Anh Quang đã có văn bản xin phép 2 thầy hướng dẫn và Trường Đại học Y dược TP.HCM được bảo vệ luận án ở nước ngoài thay vì bảo vệ trong nước và được chấp thuận. Anh Quang bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu ngày 21/10/1994 tại Uppsala University, Thụy Điển.

Như vậy, xét các quy định hiện hành lúc bấy giờ, anh Quang đã tuân thủ nghiêm túc tất cả các quy định về thỉnh thị báo cáo trong suốt quá trình học tập trong nước và nước ngoài.

Nhưng các ý kiến lại cho rằng, học vị của ông Quang học tại Thụy Điển không được công nhận là bằng Tiến sĩ?

Trong hệ thống giáo dục sau đại học của Thụy Điển, có 2 cấp: Doctor’s degrees (Tiến sĩ) và Licentiatexamen. Văn bằng Licentiatexamen được cấp cho những nghiên cứu sinh đã có trình độ Cao học và phải học thêm ít nhất 2 năm các lớp thâm cứu các bộ môn chuyên sâu và phải bảo vệ luận án tốt nghiệp trước Hội đồng quốc gia.

Việc chuẩn hóa chương trình đào tạo sau đại học và công nhận tương văn bằng của các nưóc trên thế giới giai đoạn năm 1995 trở về trước rất khác nhau. Mặt khác giai đoạn đó chưa có các hiệp định ký kết chính thức giữa các quốc gia nên mỗi nước đều có chuẩn mực riêng để xác nhận tương đương văn bằng sau đại học.

Theo các tài liệu lúc bấy giờ, văn bằng Licentiate của Thụy Điển được công nhận là tương đương với bằng Ph.D (Tiến sĩ) tại Hoa kỳ và một số nước Châu Âu.

Vậy ở vào thời điểm đó, việc công nhận học vị cho ông Quang trải qua những quy trình như thế nào?

Việc này chúng tôi tiến hành đều có sự phối hợp rất tỉ mỉ và đúng pháp luật. Căn cứ vào biên bản ngày 15/1/1995 của tập thể thầy hướng dẫn nghiên cứu sinh và văn bản ngày 7/1/1995 của Phân viện Kiểm nghiệm, Bộ Y tế, Trường Đại học Y Dược TP.HCM đã có công văn ngày 4/4/1995 gửi Vụ Khoa học & Đào tạo Bộ Y tế và Vụ Sau Đại học, Bộ GD&ĐT về việc xin công nhận học vị khoa học cho dược sĩ Cao Minh Quang.

Nội dung như sau : xét về trình độ và chất lượng luận án đã bảo vệ thành công tại Uppsala University, đồng thời căn cứ vào học phần theo quy định Chính phủ, tập thể thầy hướng dẫn NCS và cơ quan chủ quản đều đề nghị với hai Bộ xem xét công nhận văn bằng “Licentiate of Pharmaceutical Sciences” của Thụy Điển tương đương với bằng Tiến sĩ khoa học theo hệ thống đào tạo của Việt Nam.

Sau khi có sự thống nhất giữa các Vụ chức năng của hai Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế, Vụ Khoa học & Đào tạo Bộ Y tế đã có văn bản số 3389/K2ĐT ngày 15/5/1995 trả lời Trường Đại học Y dược TP.HCM và Phân viện Kiểm nghiệm TP.HCM như sau:

Dược sĩ Cao Minh Quang đã bảo vệ luận văn để nhận học vị “Licentiate of Pharmaceutical Sciences”. Theo hệ thống giáo dục của Trường đại học Stockholm, Licentiate degree tương đương quốc tế với văn bằng Tiến sĩ.

Ngoài ra, theo tôi được biết, trong tất cả các quyết định của Bộ Y tế bổ nhiệm anh Cao Minh Quang ở các chức vụ giai đoạn năm 1995 – 2000 đều ghi rõ chức danh của anh Quang là Tiến sĩ. Do vậy, theo suy nghĩ của tôi, đ/c Quang khai chức danh là Tiến sĩ hoàn toàn căn cứ vào các quyết định pháp lý của Bộ chủ quản là Bộ Y tế và đúng với các quy định hiện hành về thủ tục hành chính.

Là người đã từng làm việc với ông Quang, ông có nhận xét gì về năng lực chuyên môn của vị Thứ trưởng này?

Anh Quang đã có công trong việc đưa ra định hướng và xây dựng nền pháp lý trong việc tiêu chuẩn hóa ngành Dược Việt Nam, thông qua việc ban hành Bộ tiêu chuẩn về “Quản lý chất lượng toàn diện –TQM và cụ thể hóa trong các quy chuẩn kỹ thuật về sản xuẩt thuốc (GMP), về Quản lý chất lượng thuốc (GLP), về tồn trữ bảo quản thuốc (GSP), về lưu thông phân phối (GDP) và về phân phối lẻ (GPP).

Cho đến nay, bộ quy chuẩn kỹ thuật theo nguyên tắc 5GPs (thực hành tốt) nói trên đã thực sự đi vào cuộc sống và góp phần quan trọng trọng trong việc tiêu chuẩn hóa và nâng vị trí ngành Dược Việt Nam đối với các nước trong khu vực Châu á Thái Bình Dương và trên thế giới.

Theo những căn cứ mà ông đưa ra, học vị Tiến sĩ của ông Quang không còn gì để bàn cãi?

Đúng vậy! Cứ việc mở luật giáo dục của Thụy Điển ra mà xem. Ai cũng đọc được, ai cũng hiểu văn bằng Licentiate do Đại học Uppsala Thụy Điển cấp và xác nhận tương đương là Tiến sĩ dược học của Bộ GD&ĐT là việc hoàn toàn đúng với hệ thống giáo dục của Thụy Điển. Nhiều nước khác trên thế giới cũng đào tạo văn bằng này và công nhận nó tương đương với Ph.D (Tiến sĩ).

Phải khẳng định là văn bằng Licentiatexamen của Thụy Điển cũng giống như bằng Phó Tiến sĩ trong hệ thống đào tạo sau đại học của Nga và Đông Âu.

Tất cả nghiên cứu sinh đi học ở hệ Nga và Đông Âu, khi được cấp bằng Phó tiến sĩ đều biết rất rõ là văn bằng Phó tiến sĩ là trên Thạc sĩ nhưng dưới Tiến sĩ. Khi về Việt Nam, đối chiếu với các quy định hiện hành về văn bằng sau đại học, trên bằng Thạc sĩ là bằng Tiến sĩ và tất cả văn bằng Phó Tiến sĩ học ở Nga và Đông Âu đều được Bộ GD&ĐT công nhận là Tiến sĩ.

Với tư cách một nhà khoa học, nhà giáo, từng giữ chức vụ quản lý, với trách nhiệm của 1 đảng viên 44 năm tuổi Đảng, tôi đề nghị nên xem xét lại tính chính xác và khoa học của vấn đề này một cách công tâm và khách quan đối với một việc đơn giản, rõ ràng và đầy đủ các cơ sở khoa học của luật giáo dục Thụy Điển mà các cơ quan quản lý chuyên ngành đã công nhận bằng văn bản trong suốt 17 năm qua.

Xin cảm ơn ông!

Nam Minh (Thực hiện)

http://vtc.vn/2-329533/xa-hoi/thu-truong-bo-y-te-co-bang-dom-nguoi-xac-minh-noi-gi.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét