Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Sai phạm hàng trăm tỷ, Chủ tịch huyện nghỉ chờ chế độ!





Đây là khu đất mà thôn Yên Giả đã giao thầu trái luật cho 80 hộ dân. Trong khi xung quanh vẫn là đồng lúa thì ông Nguyễn Đình Vóc đã cho san lấp 2.700m2 để xây biệt thự.

(Thanh tra)- Đoàn thanh tra tiến hành thanh tra 27 dự án (D.A) giao đất ở và 2 D.A đấu giá quyền sử dụng đất (SDĐ) tại 6 xã, thị trấn (Phương Liễu, Phượng Mao, Yên Giả, Việt Hùng, Cách Bi và thị trấn Phố Mới). Trong đó, 16 D.A do UBND huyện Quế Võ ra quyết định thu hồi đất, chuyển mục đích SDĐ, được UBND tỉnh ra quyết định cho phép hợp thức hoá; 11 D.A UBND huyện Quế Võ ra quyết định thu hồi đất, chuyển mục đích SDĐ, nhưng đến nay chưa có quyết định của UBND tỉnh cho phép hợp thức hoá. Như vậy, việc ra các quyết định thu hồi đất trên về cơ bản là sai và sinh ra “chờ” tỉnh hợp thức hoá!

>>Công tác tổ chức cán bộ sai phạm ở tất cả các khâu

>>Lên chức, lên quyền và lên... tỉnh!

Tại thị trấn Phố Mới, có 10 D.A được UBND huyện Quế Võ ra quyết định, sau đó được tỉnh hợp thức hoá. Tổng diện tích thu hồi là 199.805m 2, trong đó số lô đất ở là 1.499 lô với diện tích 120.092m2.

Đơn cử như tổng diện tích đất tại 8 quyết định mà UBND huyện Quế Võ ký “lố” được UBND tỉnh “cảnh báo” và cho hợp thức hoá (tại Quyết định 1413/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Ninh) là 141.864,8m 2 để giao đất ở cho 994 lô với diện tích đất ở 82.196m2. Điều nghiêm trọng là, sau khi ký sai thẩm quyền và được UBND tỉnh cho phép hợp thức hoá, địa phương đã trình hồ sơ khống cao hơn con số được hợp thức hoá để trình UBND tỉnh ký duyệt. Đáng nói, dù có đầy đủ các cơ quan chức năng chuyên môn thẩm định, tham mưu, nhưng UBND tỉnh Bắc Ninh vẫn bị "lừa". Vì vậy, chênh lệch tăng giữa quyết định của UBND tỉnh với các quyết định của UBND huyện về diện tích thu hồi là 7.038,4m2 và tăng 138 lô…

Việc UBND thị trấn Phố Mới lập hồ sơ xin giao đất kèm danh sách các hộ đủ điều kiện được giao đất chỉ là hình thức. Trên thực tế, các thôn và thị trấn tự giao đất cho các hộ không đúng theo danh sách trong hồ sơ đã được duyệt. Không ít đối tượng được cấp không đủ điều kiện, đúng đối tượng, thậm chí có nhiều người không có hộ khẩu ở địa phương. Thôn và thị trấn đã trực tiếp thu, chi tổng số tiền trên 14,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, UBND thị trấn Phố Mới còn giao đất không đúng thẩm quyền đối với 156 lô đất đã giao tăng ngoài danh sách các hộ được giao đất. UBND thị trấn Phố Mới đã chỉ đạo giao đất kéo dài trong nhiều năm. Đến thời điểm thanh tra còn 52 lô đất được giao theo các quyết định của UBND huyện Quế Võ, được các thôn và UBND thị trấn Phố Mới để lại. Nhưng, khi giao đất vẫn thu tiền SDĐ theo giá cũ, không thực hiện thu tiền SDĐ theo giá quy định tại thời điểm giao đất, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.

UBND thị trấn Phố Mới còn không thực hiện việc tổ chức đấu giá quyền SDĐ theo quy định của tỉnh (với 366 lô đất vào năm 2008) mà thực hiện giao đất cho các hộ dân thu tiền kiểu riêng theo "lệnh" của huyện. Việc làm này đã gây thất thoát cho Nhà nước gần 16 tỷ đồng.

Kết luận số 422/KL-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nhận định: Việc làm của UBND thị trấn Phố Mới có dấu hiệu cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai và quản lý kinh tế.
Sau hàng loạt văn bản của UBND tỉnh Bắc Ninh, UBND huyện Quế Võ vẫn tiếp tục ra một số quyết định mới vi phạm Luật Đất đai

Tương tự như Phố Mới, toàn xã Phượng Mao có 7 D.A được UBND huyện Quế Võ ra quyết định thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích SDĐ để giao đất ở, sau đó được UBND tỉnh cho hợp thức hoá 5 quyết định. Điển hình là nhóm D.A được UBND tỉnh ra Quyết định số 646/2008/QĐ-UBND để giao đất ở cho 511 lô với diện tích 78.021m2. Sau đó, UBND xã Phượng Mao đã thực giao 842 lô với diện tích đất ở hơn 81.000m2. Như vậy, chênh lệch tăng giữa giao thực tế so với quyết định của UBND tỉnh là 331 lô và khoảng 3.000m2 đất…

Hơn nữa, UBND xã Phượng Mao còn giao 44 lô đất, khoảng trên 5.000m 2 đất cho đối tượng ngoài quyết định giao đất của Chủ tịch UBND huyện Quế Võ, gồm: Cty Quế Dương 28 lô, đã giao 3.237m2; Cty Thanh Bình 3 lô, đã giao 348m2; Cty Vi Anh 10 lô, đã giao 1.151m2; Cty Đại Kim 3 lô, đã giao 375m2…

Điển hình của sự sai phạm tại đây là D.A giao đất ở cho nhân dân thôn Mao Trung theo Quyết định 1428/QĐ-UB ngày 7/12/2005 của ông Nhương cho phép chuyển 17.012,2m 2 đất nông nghiệp sang giao đất ở và xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó đất ở 62 lô. Năm 2008, UBND huyện Quế Võ điều chỉnh quy hoạch chi tiết từ 62 lô lên thành 106 lô. Sau đó, số lô đất tăng thêm này được UBND xã Phượng Mao giao đất không đúng đối tượng.

Kết quả kiểm tra việc thu và chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho thấy, UBND xã Phượng Mao đã thu tiền đóng góp của các hộ được giao đất là 8 tỷ đồng (làm tròn). Đến thời điểm thanh tra, địa phương mới sử dụng 920 triệu đồng vào chi phí đầu tư cho hạng mục đường nội bộ và hệ thống thoát nước, còn lại chi vào việc khác...

Như vậy, ở Phượng Mao cũng có biểu hiện của việc làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai và quản lý kinh tế.

Ở xã Yên Giả, ngoài sai phạm tại 5 D.A thu hồi và giao đất ở do UBND huyện ra quyết định thu hồi đất, thôn Yên Giả còn giao thầu trái luật trên 23.000m 2 đất nông nghiệp cho 80 hộ dân. Điều lạ là, mỗi hộ trong số này được giao khoảng trên 100m2, nhưng hộ ông Nguyễn Đình Vóc (anh ruột ông Nguyễn Đình Nhương, Bí thư Huyện uỷ Quế Võ; bố đẻ ông Nguyễn Đình Vượng, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách khối kinh tế tổng hợp) lại được giao tới gần 3.000m2. Và, trong số này đã có 14 hộ tự san lấp xây dựng công trình trái phép. “Hoành tráng” nhất vẫn là hộ ông Vóc với biệt thự “khủng”, mà theo đánh giá của người dân ở đây, tổng dự toán của đại công trình nhà ở, sân vườn này khi hoàn thành phải cỡ 40 tỷ đồng.

Các sai phạm tương tự còn tiếp diễn ở các xã: Phương Liễu, Cách Bi, Việt Hùng với số tiền sai phạm lên tới cả trăm tỷ đồng.

Trên cơ sở đó, Kết luận 422 nêu ra hàng loạt kiến nghị như: Yêu cầu UBND huyện Quế Võ thu hồi và tổ chức đấu giá những lô đất chưa giao; xử lý hành chính trách nhiệm cán bộ thôn, xã Phượng Mao đã giao đất không đúng quy định của pháp luật; thu hồi về ngân sách Nhà nước các khoản tiền sai phạm...

Điều dư luận bức xúc là: Các sai phạm thì nghiêm trọng, nhưng chỉ có 1vụ được chuyển cho cơ quan điều tra. Ngay cả vụ giao thầu đất nông nghiệp trái luật ở thôn Yên Giả, mặc dù đề nghị huỷ bỏ hợp đồng, nhưng vẫn giao địa phương lập quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn, làm thủ tục công nhận quyền SDĐ cho các hộ. Đối với diện tích đất nằm ngoài hạn mức giao đất ở nông thôn (300m 2) thì phải chuyển sang thuê đất theo hiện trạng SDĐ nông nghiệp. Nếu vậy, đối với đa số trường hợp ở đây, thì đều được giao dưới hạn mức. Riêng hộ ông Vóc vượt gấp gần 10 lần. Tuy nhiên, chỉ với 1 căn biệt thự đã có diện tích cao hơn hạng mức đất ở nông thôn và tương lai vẫn được "hợp thức hoá" cho tồn tại.

Những sai phạm về đất đai ở Quế Võ bắt đầu "nổi lên" sau khi ông Nhương lên làm Chủ tịch UBND huyện. Đoàn thanh tra nhận định: "Công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện Quế Võ còn lỏng lẻo, thiếu khoa học, trình trạng vi phạm pháp luật đất đai diễn ra phổ biến từ thôn đến xã. Đặc biệt là sau khi Thanh tra Sở Xây dựng đã có Văn bản số 58/XD-QLN ngày 24/5/2005, UBND tỉnh có Thông báo số 05/UBND-TB ngày 29/2/2008 và Văn bản số 525/UBND-XDCB ngày 12/5/2006, thì UBND huyện Quế Võ vẫn tiếp tục ra một số quyết định mới vi phạm Luật Đất đai dẫn đến tình trạng kỷ cương pháp luật bị xem nhẹ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự tại địa phương...". Vậy, sau khi Kết luận 422 được công bố (một cách "bí mật" tại Quế Võ) thì ông Nhương có quyết định nghỉ việc chờ chế độ liệu có khách quan, đúng luật và thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết T.Ư 4, khoá XI của Đảng?

Chúng tôi chờ câu trả lời từ phía lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh.
Nhóm PV

http://thanhtra.com.vn/tabid/77/newsid/52424/temidclicked/2/seo/Sai-pham-hang-tram-ty-Chu-tich-huyen-nghi-cho-che-do/Default.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét