Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Sau Festival, dừa chờ đợi gì?

Thực trạng giá dừa lên cao rồi lại tụt xuống một cách thảm hại vẫn đang là nỗi ám ảnh đối với dân trồng dừa ở Bến Tre. Năm nay, Festival Dừa lần đâu tiên được tổ chức ở quy mô cấp quốc gia, liệu có giúp cho nông dân – những người được tôn vinh – thoát khỏi nỗi ám ảnh đó?...

CôngThương - Festival có giúp được dừa?

Bến Tre có diện tích trồng dừa gần 52,5 ngàn ha, sản lượng hàng năm đạt 420 triệu trái (chiếm 36% sản lượng cả nước). Các sản phẩm từ dừa Bến Tre được xuất khẩu đến 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Song, dù là địa phương trồng dừa lớn nhất cả nước, nhưng cuộc sống của người trồng dừa luôn bấp bênh vì không thể tự định đoạt sản phẩm do mình làm ra.

Có những lúc giá dừa cao ngất ngưỡng, các nhà máy không thể cạnh tranh với thương nhân nước ngoài đã phải tạm ngừng sản xuất, có lúc giá dừa lại quá thấp, nông dân buộc lòng phải đốn bỏ mồ hôi và công sức của mình. Ở Bến Tre, trong năm 2009 và 2010 đã diễn ra hai kỳ lễ hội về dừa, nhưng đến nay, giá dừa vẫn chưa được “giải cứu”. Festival lần này liệu có giúp được giá dừa?

Anh Trần Tiến Đạt (xã Phước Long, huyện Giồng Trôm) chua chát nhớ lại mấy tháng trước giá dừa khô nguyên liệu liên tục rớt giá thê thảm, khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề. “Chỉ trong thời gian ngắn, giá dừa từ trên 140.000 đồng/chục rớt xuống chỉ còn khoảng 40.000 đồng/chục (12 trái). Giá dừa khô giảm nhanh và mạnh đến khiến người dân không thể tin nổi. Khổ sở hơn là với mức giá đó, chúng tui kêu bán nhưng cũng không ai dám mua” - anh Đạt nói như than.

Nâng cao chuỗi giá trị từ liên kết

Toàn bộ thân cây dừa từ gốc đến ngọn đều có thể sử dụng và chế biến ra những sản phẩm mang tính thương mại. Tuy nhiên, giá trị mang lại từ những sản phẩm này không cao. Giải thích cho nghịch lý trên, ông Hồ Vĩnh Sang – Chủ tịch Hiệp hội dừa Bến Tre phân tích: Ngành dừa hình thành nhiều phân khúc liên hoàn từ khâu trồng đến khâu cung cấp nguyên liệu – chế biến và khâu dịch vụ - thương mại – xuất nhập khẩu. Chủ thể các khâu này phụ thuộc lẫn nhau, nhưng chỉ gắn với nhau qua mua bán sản phẩm, không có sự gắn kết mang tính hệ thống. Do vậy, trước những biến động khó lường của giá dừa, cả DN và nông dân đều gặp khó khăn, nhưng lại không thể chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau.
Hoạt động sản xuất – kinh doanh dừa luôn sôi động ở Bến Tre.


Cũng theo ông Sang, trước hết cần tập hợp lại các nông dân trồng dừa thông qua các chi hội, để cùng nhau tiếp cận và thực hiện các chương trình, dự án, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cùng trao đổi kinh nghiệm để nâng cao chất lượng và giá trị. “Trước mắt các DN cần thỏa thuận với các đầu mối không hạ giá mua dừa, giúp nông dân vượt qua khó khăn hiện nay. Khi chủ thể các phân đoạn trong ngành dừa đã tạo được sự gắn kết lâu dài trên cơ sở chia sẻ lợi ích lẫn nhau, chắc chắn ngành dừa sẽ phát triển bền vững” - ông Sang nhấn mạnh.

Chia sẻ những khó khăn với người dân trồng dừa, trong bài phát biểu khai mạc tại Festival Dừa Bến Tre lần III-2012, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị: Tỉnh Bến Tre và các bộ, ngành liên quan cần chú trọng quy hoạch phát triển vườn dừa; đầu tư nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng giống; đầu tư mới và nâng cấp những nhà máy hiện có, ứng dụng công nghệ tiên tiến để sản phẩm dừa ngày càng nâng cao chất lượng và giá trị. Chúng ta không chỉ thúc đẩy hợp tác sâu rộng, chặt chẽ giữa các tỉnh trồng dừa trong nước mà chúng ta cần phải học hỏi kinh nghiệm những nước trồng dừa hiệu quả để ngày càng có nhiều sản phẩm dừa ra đời đa dạng về chủng loại, đạt hiệu kinh tế quả cao.

Làm sao để nâng cao chuỗi giá trị cây dừa tất nhiên là vấn đề tiên quyết. Và những giải pháp để hiện thực hóa vấn đề ấy xem ra cũng không thiếu. Ấy nhưng, để cây dừa trên đất Chín Rồng “cất cánh”, cần có những cách làm lâu dài và quyết liệt, nếu không muốn: Sau Festival, dừa lại gặp khó!


Theo Lao Động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét