Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: “Bắn mây” phá “bão" phá sản


(HQ Online)- Mặc dù lạm phát đã có những dấu hiệu "hạ nhiệt" như lãi suất hạ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 3 tháng đầu năm giảm, nhưng số lượng DN phá sản, ngừng hoạt động tăng khá nhanh. Có thể thấy, DN đang thực sự “ngấm đòn” khủng hoảng.

>> Doanh nghiệp nhỏ có nguy cơ phá sản
>> Phá sản- không còn là nguy cơ


Nhằm tìm ra giải pháp tức thời cũng như căn cơ để giải quyết tình trạng này, Báo Hải quan có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 3 tháng đầu năm 2012 có gần 12.000 DN phá sản và ngừng hoạt động trên toàn quốc, trong đó 2.200 DN đã làm thủ tục giải thể, 9.700 DN đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện các nghĩa vụ thuế. Theo ông, con số này nói lên điều gì?
Có nhiều nguyên nhân khiến DN giải thể, phá sản nhưng phải chắc chắn rằng số DN làm thủ tục giải thể này là do nguyên nhân từ khủng hoảng kinh tế thì mới có thể phân tích, bình luận. Tuy nhiên cũng phải khẳng định rằng, dù chưa có chính xác con số DN giải thể hoặc đang hoạt động khó khăn do ảnh hưởng của nền kinh tế nhưng số lượng DN phá sản hoặc ngừng hoạt động ngày càng tăng. Điều này vẫn được lý giải là do thiếu vốn.
Tuy nhiên, đến nay nhiều DN quy mô lớn như Công ty thủy sản Bình An đang có nguy cơ phá sản hoặc Công ty Đầu tư XNK Cà phê Tây Nguyên nợ đến 1.600 tỷ đồng… đã cho thấy một ảnh hưởng khác, tác động rất lớn đến tình hình hoạt động của DN. Đó là những nút thắt cố hữu của nền kinh tế chưa được tháo gỡ và bị “chìm” trong các “đợt sóng” liên tiếp của hai cuộc khủng hoảng kinh tế.
Trước hết hãy nói về giải pháp trực tiếp để cứu số DN đang có khả năng “cháy” trong thời gian tới-nguồn vốn. Theo ông, giải pháp và lộ trình mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố liệu có khả thi?
NHNN đã hạ quyết tâm đưa mặt bằng lãi suất huy động xuống khoảng 10%/năm vào cuối năm nay, như vậy DN sẽ tiếp cận mặt bằng vốn với lãi suất 13-14%/năm. Tôi có thể khẳng định, với lãi suất này vẫn cao so với DN, nhiều DN vẫn không có khả năng vay và trong khoảng thời gian 7 đến 10 tháng chờ lãi suất hạ không biết bao nhiêu DN nữa sẽ phá sản.
Có thể khẳng định hạ lãi suất là việc cần thiết bởi “cơn bão” phá sản DN hiện đang bao trùm khắp cả nước với tốc độ chóng mặt. Theo ông, Chính phủ cần thực hiện ngay chính sách gì để hạn chế sự di chuyển của “cơn bão”?
Để ngân hàng thương mại có ngay nguồn vốn dồi dào từ huy động trong dân hiện nay là khó khả thi. Giải quyết vấn đề này, tôi đã nhiều lần kiến nghị rằng NHNN có thể sử dụng hữu ích nguồn tín dụng không phải trả lãi suất mà cơ quan này có để cho ngân hàng thương mại vay với lãi suất thấp, sau đó ngân hàng thương mại có thể cho DN vay với lãi suất hợp lý. Số vốn vay từ chương trình tín dụng đặc biệt này sẽ được hoàn trả cho NHNN.
Điều này cũng xuất phát từ nhiệm vụ và cũng là quyền hạn của ngân hàng Trung ương là phải giải quyết thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, cung ứng đầy đủ lưu lượng tiền tệ cho nền kinh tế phát triển ổn định bền vững. Hơn nữa, tất cả các ngân hàng trung ương trên thế giới đều sử dụng cách làm này khi xảy ra tình trạng thiếu thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Nếu ngân hàng thương mại không huy động được vốn với lãi suất thấp để cho DN vay với lãi suất hợp lý, lúc đó sự việc trở thành nhiệm vụ mà NHNN phải giải quyết, chứ không thể nào để cho DN “chết” được.
Ông có thể nói cụ thể hơn về phương án này?
NHNN có thể vận dụng Điều 10 và Điều 11 của Luật NHNN để cho ngân hàng thương mại vay theo lãi suất do Thống đốc NHNN quyết định, có thể là 3-4-5%/năm để ngân hàng thương mại cho DN vay với lãi suất dưới 10%/năm. Như vậy, DN không phải chờ ngân hàng giải quyết từng khâu, từ cải thiện thanh khoản bằng nguồn vốn trong nhân dân sau đó mới đến hạ lãi suất huy động. Tại sao thanh khoản không từ nguồn tín dụng của NHNN xuất ra?!
NHNN có thể chọn một trong 3 hình thức quy định ở Mục 2, Điều 11, Luật NHNN và đặc biệt là hình thức (c) “Các hình thức khác”. Căn cứ vào Điểm (c) này NHNN có thể thiết lập một chương trình tái cấp vốn đặc biệt, ưu tiên cho thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích XK. Chương trình tái cấp vốn đặc biệt này sẽ thực hiện theo các quy tắc nhằm đảm bảo nguồn tiền đi đúng hướng, đúng mục đích.
Theo ông, cụ thể nguồn tiền cần định hướng như thế nào?
Nguồn vốn này chỉ để tài trợ cho các dự án sản xuất kinh doanh, khuyến khích XK, không cho vay các lĩnh vực khác. Các ngân hàng chỉ cho vay theo dự án cụ thể và giải ngân theo tiến độ, để đảm bảo dòng tiền không rò rỉ qua các mục đích khác.
Không chỉ có những quy định đối với DN mà ngay cả các ngân hàng cũng có những quy định riêng. Theo tôi, chỉ những ngân hàng được Thống đốc NHNN chấp thuận mới được tham gia chương trình này và ngân hàng tham gia phải cam kết nghiêm túc chấp hành những quy định của chương trình. Nếu ngân hàng nào có động thái tiêu cực, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc sẽ liên đới chịu trách nhiệm dân sự, hình sự thậm chí là cả hai tùy theo mức độ vi phạm. Ngoài ra nếu NHNN vẫn chưa thấy Điều 10 và 11 của Luật NHNN đủ cơ sở để vận dụng, NHNN có thể trình bổ sung một điều của Luật NHNN lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và ban hành kịp thời.
Ông nhận định như thế nào về tính khả quan của phương án này?
Chương trình này không gây ra lạm phát vì chỉ được triển khai trong giới hạn tăng trưởng tín dụng đã được Nghị Quyết 11 quy định. Tác động gián tiếp sẽ là kéo lãi suất huy động xuống, vì các ngân hàng sẽ bớt bị áp lực trong nhu cầu huy động vốn. Tình trạng hỗn loạn trên thị trường vốn và lãi suất sẽ được khắc phục. Hoạt động kinh tế dần dần sẽ trở lại ổn định. Có thể ví phương án này như cách làm bắn mây để phá tan một cơn bão.
Vậy còn các giải pháp gián tiếp cần được thực hiện nhằm không để nhiều hơn DN bị phá sản là gì, thưa ông?
Người ta thường nói đến 3 cái nút thắt cổ chai của nền kinh tế tác động đến DN là cơ chế hành chính, cơ sở hạ tầng và nhân lực. Nhưng đằng sau 3 nút thắt ấy có một nút thắt lớn hơn rất nhiều, đó là nút thắt về tư duy.
Thực tế đã cho thấy trong nhiều trường hợp, các cơ quan, ban, ngành vẫn dùng cách điều hành cũ của một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung để giải quyết các vấn đề của nền kinh tế mới. Nền kinh tế mới của ta là nền kinh tế mở hơn rất nhiều so với một nền kinh tế của 10-15 năm trước. Đi đôi với cách điều hành cũ, chúng ta đang phải đối mặt với một sự suy giảm tương đối nhanh về trình độ của thế hệ cán bộ cũ tại cơ quan quản lý trong lĩnh vực kinh tế so với mặt bằng chung của xã hội. Điều này cũng ảnh hưởng khá lớn đến chính sách cải cách, giảm thời gian, thủ tục cho DN. Không có cách nào khác để khơi thông nút thắt tư duy, đó chính là tư duy mới của lãnh đạo Đảng, Nhà nước mạnh dạn giao việc cho những người trẻ, có tài và tâm huyết.
Bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ, chính DN cũng cần thay đổi mình để khi “đường băng” vốn, cơ chế chính sách khai thông, DN sẽ cất thẳng cánh bay.
Xin cảm ơn ông!
Huyền Trân (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét