Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Chịu trách nhiệm?


Tống Văn Công

Chiều 28-3-2012 tại cuộc họp báo, ông Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng tuyên bố: “Tôi chịu trách nhiệm khi nói Thủy điện Sông Tranh 2 an toàn!”. Lập tức, Phó Chủ tịch UBND Quảng Nam đáp lại: “Nhân dân và Chính quyền Quảng Nam vẫn chưa hết lo lắng”. Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc gửi kiến nghị: “Yêu cầu Thủ tướng ra lệnh xả cạn nước hồ trong suốt thời gian chưa tìm ra nguyên nhân và khắc phục xong sự cố”.

Ngày 1-4-2012, tại cuộc họp báo của Chính phủ, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vẫn kiên trì quan điểm “thu phí hạn chế phương tiện vận tải cá nhân” vào một thời điểm phù họp và khẳng định “Sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ và nhân dân chuẩn bị đề án này”, nhưng ông không hề trả lời hằng loạt câu hỏi của nhân dân phản đối chủ trương này!

Tuần trước, khi kết luận cuộc chất vấn ở phiên họp thứ 6, Ủu ban Thường vụ Quốc hội khóa 13, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Đề nghị hai Bộ trưởng (Bộ Y tế và Bộ Nội vụ) phải chứng minh trách nhiệm của mình một cách tích cực để bảo đảm việc thực hiện có kết quả những đề án đã trình bày”. Nhớ lại, hồi vụ Vinashin vỡ, Thủ tướng phát biểu: “Là người đứng đầu Chính phủ, tôi chịu trách nhiệm đó, nhưng tôi không có ra quyết định nào sai”.

Qua những điều kể trên, có thể thấy vấn đề chịu trách nhiệm trong thể chế hiện hành rất co dãn, thậm chí rất mơ hồ! Tổng kết 5 năm chống tham nhũng, vẫn chưa xác định được trách nhiệm của người đứng đầu! Những người dễ dàng tuyên bố chịu trách nhiệm, đều hiểu rằng, thực ra không có điều gì ràng buộc mình khi không thực hiện được lời hứa. Thử nhìn ra bên ngoài để so sánh: Nội các Naoto Kan của Nhật từ chức tập thể chỉ vì cựu chủ tịch Đảng Dân chủ Nhật (DPJ) bê bối tài chính và nhân dân chê chính phủ xử lý chậm trễ sau động đất, sóng thần. (Chính phủ Naoto Kan xử lý đâu có tệ!). Mới đây, ngày 31-3-2012, sáu Bộ trưởng của nội các Yoshihiko Noda cùng lúc đệ đơn từ chức, phản đối Dự luật tăng thuế vì: “Trong tình hình lạm phát mà tăng thuế thì chúng tôi làm sao giải thích được với nhân dân?”.

Thực ra, dân tộc ta vốn có văn hóa chịu trách nhiệm rất cao, không hề thua kém thiên hạ. Phan Thanh Giản, Hoàng Diệu… lấy cái chết để đền tội không giữ được thành. Hồ Chí Minh sau khi ký Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946, đã thưa với đồng bào “không bao giờ là kẻ bán nước”! Đã đến lúc các quan chức ngày nay phải xác định lại thế nào là trách nhiệm và mọi cơ quan đều phải xây dựng quy chế chịu trách nhiệm.

Trách nhiệm là: “Phần việc được giao, hoặc coi như được giao cho, phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả” (Từ điển Tiếng Việt, 1992). Như vậy khi đã nói “chịu trách nhiệm” thì phải hiểu rằng kèm theo đó là “hậu quả phải chịu” nếu không làm tròn! Chúng ta thường dùng từ “phụ trách” có nghĩa là “Đảm nhận và chịu trách nhiệm về một công việc nào đó”. “Đảm nhận và chịu trách nhiêm” trước ai vậy? Các công chức nhắc tới nhân dân như nói lấy lệ. Thực ra, họ chỉ sợ người quyết định chức vụ và trực tiếp trả lương. Do đó cần nhắc lại Hồ Chí Minh: “Đảng và Chính phủ vì dân mà làm các việc và cũng phụ trách trước nhân dân. Vậy cán bộ không phụ trách trước nhân dân, tức là không phụ trách trước Đảng và Chính phủ, tức là đưa nhân dân đối lập với Đảng và Chính phủ” (Hồ Chí Minh, NXB Chính Trị Quốc Gia,1995, T5, trang 249).

Nguồn: Viet-Studies

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét