Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

Về nhà mình xa quá, má ơi* (1)

Lời tác giả



Hồi còn cắp sách đến trường cho tới những năm ra đời làm việc, tôi được đọc nhiều tuyển tập của những nhà chính trị, nhà khoa học, nhà văn, nhà báo..., tôi hết sức cảm phục. Không hiểu sao họ lại có được ngần ấy tác phẩm “gạo cội” để đưa vào sách? Chỉ nghĩ thoáng qua như vậy thôi, rồi thời gian vụt đi, không còn để ý đến chuyện ấy nữa, vì đó là việc của người lớn.
Bây giờ đã chớm bước sang tuổi bảy mươi, nhiều anh em, bạn bè, đồng nghiệp bảo tôi “làm một tuyển tập đọc chơi, ông đã có gần bốn mươi năm cầm bút chứ ít ỏi gì”. Thật tình tôi rất ngại, bởi vì tôi hiểu văn chương của mình “không bằng ai”. Vả lại, đời phóng viên chẳng mấy ai nghĩ rằng mình có sự nghiệp chữ nghĩa ở đằng sau. Giống như người lính đánh trăm trận mà không hề nghĩ tới võ công. Tôi chỉ có được tấm lòng đối với miền sông nước của quê tôi: Cà Mau mà viết ra những chữ, những dòng nặng trĩu tình cảm. Cho nên ban đầu, tôi đặt tên cho quyển sách là “Về nhà mình xa quá, má ơi!” cho nó bình thường, tránh loại sách “tuyển tập” nặng nề .
Tôi sinh ra ở chót mũi Cà Mau. Như những đứa trẻ miền quê lúc bấy giờ, tôi chỉ quanh quẩn trên đồng ruộng: giăng câu, đặt trúm, mò tôm, bắt ốc... Chữ nghĩa không làm nổi bốn phép toán cộng, trừ, nhân, chia đơn giản. Năm 1954, tôi tập kết ra Bắc, được học hành đến nơi đến chốn. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được về làm việc tại một tờ báo lớn của Trung ương. Sau ngày miền Nam giải phóng, tôi tiếp tục làm báo ở thành phố Hồ Chí Minh cho đến lúc nghỉ hưu. Có một câu chuyện cảm động mà tôi nhớ mãi. Cách đây hơn 20 năm, một lần vượt hơn 400 cây số bằng đường bộ và đường sông về thăm má tôi ở tận mũi Cà Mau. Vừa đặt ba lô xuống, tôi than: “Về nhà mình xa quá, má ơi! Con đi gần hai ngày mới tới”. Má tôi thoáng buồn, nói: “Mồ tổ mày, tại con đi xa chớ nhà mình đâu có xa. Từ trước tới giờ nhà mình vẫn ở đây, có dời đi đâu mà xa với gần. Má sanh con cũng tại căn nhà này...”.
Tôi rất ân hận lời nói vô tình của mình đã làm má tôi không vui. Và mãi mãi tôi không bao giờ quên câu nói chân thật, mộc mạc từ đáy lòng của người mẹ ở miền quê cây tràm, cây đước mà rất sâu sắc ấy…
Thành phố Hồ Chí Minh,
ngày 10- 10- 2006

Trần Thanh Phương

"Về nhà mình xa quá, má ơi" (NXB Văn Nghệ TPHCM 2006) sẽ lần lượt được đăng tải kể từ tuần nầy.



QUA PHÀ

Xe đang chạy ngon trớn, bỗng dưng chầm chậm lại.
Bà con, cô bác ơi, chuẩn bị xuống xe, lấy vé, qua phà!
Xuống xe lẹ lên, bà con, cô bác ơi! Xe qua phà luôn!
Mặc cho mấy chú “lơ” giục, hành khách chẳng mấy ai xúc động, nghe theo. Xe đậu nối đuôi nhau cách phà xa lơ, xa lắc thế kia, sức mấy qua phà luôn. Nghề nghiệp các chú thì các chú phải la thét, nhắc nhở như thế, bà con ta cứ từ từ.
Sau khi nhận tấm vé qua phà do chú “lơ” phát một cách vội vã, mọi người tản đi khắp nơi. Riêng mấy bà già và bà bầu thì có quyền ngồi nguyên trên xe.
Tìm cái quán nào mát mát làm dĩa cơm sườn và ly trà đá cái đã. Trước sau gì cũng phải ăn. Mà ăn cơm sườn hay cơm gà? Hoặc cơm bữa? Cơm bữa thì có canh chua cá bông lau, canh chua lươn với cá rô kho tộ. Coi bộ hấp dẫn hơn. Anh bạn cùng đi với tôi hơi lưỡng lự:
Canh chua ở bến “Bắc” nấu chua thấy mồ! Ta đi tìm quán nào làm dĩa cơm chim rô-ti, lạ miệng và ngon hơn!
Rồi!
Hai bên đường dày đặc những quán ăn, quán uống và sạp bán trái cây. Những giỏ, những cần xé, những thúng trái cây nặng cồng kềnh thế kia, vậy mà người khiêng vác nó lại là các cô gái xinh xắn, trắng hồng. Cùng với sự tươi tắn của chủ nhân, màu sắc của trái cây cũng rực rỡ lên như nắng gió, như bình minh ở xứ sở này: xoài, chôm chôm, cam, quýt, ổi, chuối, đu đủ, mãng cầu, mận, bưởi, dừa... Mùa nào thứ ấy. Loại nào cũng ngon lành, thơm tho. Mà không ngon và thơm sao được, tất cả như mới vừa hái trên cây xuống khi sáng hoặc chiều tối hôm qua là cùng. Cứ nhìn cái cuống, cái lá đủ biết, sương như còn đọng, nắng như còn vương... Chạy xe trên lộ mà bắt gặp những chiếc xuồng mận đỏ ối “lòi” từ các mương vườn ra coi mới sướng mắt chớ. Người thì trắng, trái thì đỏ cứ lần lượt xuất hiện, xuất hiện từ những đám cây xanh dày bịt không khác chi tiên sa. Trong khi đó, trên bờ hàng chục giỏ mận, giỏ ổi phủ lá chuối xanh mướt, được bàn tay khéo léo của các bà, các cô ràng buộc cẩn thận. Chuẩn bị lên xe đưa về thành phố.
Đã nhiều lại tươi, lại ngon cho nên ai cũng muốn mua, muốn nếm. Ở đây, mận, cam, quýt... người ta bán “bao” nguyên thúng, nguyên rổ “bảo đảm không ngon không lấy tiền”, “không ngon trả lại”... có người ham rẻ, mua luôn cả thúng ổi xá lị hoặc mận hồng đào, đổ đầy sàn xe. Muốn ăn bao nhiêu thì ăn, còn lại “đem về cho mấy đứa nhỏ”. Tại bến phà, người ta liệt mận và ổi thuộc loại trái cây tầm thường, không quý giá.
Trái có giá trị trước tiên phải kể là xoài. Mặc dù đây là xứ sở của xoài, nhưng tuyệt đối không ai bán thốc, bán tháo bao giờ. Nó có giá cả nhất định của nó, mặc cho giữa mùa xoài đi chăng nữa. Khác với một số trái khác, xoài bán tính bằng chục, chớ không phải bán bằng ký, bằng mớ, không thêm không bớt một trái. Đã chục là chục. Mà thêm thắt gì nữa, chục đây là “chục mười hai” rồi. Trước đây là “chục mười bốn”, “chục mười sáu” lận. Nghe nói có nơi một thời người ta tính tới “chục hai mươi bốn” nữa! Chục mà hai mươi bốn, nghe thật là đã! Sao mà hào phóng, sao mà vừa bán vừa cho vậy?
Giống xoài ngon nhất ở bến phà Mỹ Thuận, phà Cần Thơ và nói chung là ở xứ vườn miền Tiền Giang, Hậu Giang này là xoài cát và xoài thanh ca. hai giống này mùi thơm và vị ngọt thật đặc biệt, trái lại to tròn. Từ ba đến bốn trái đã nặng một kí lô. Cho nên mua một chục xoài là nhiều lắm chớ đâu có phải ít.
Xoài được xem là loại quả quý và vật tặng giá trị. Ngày xưa vua Trần đã ban xoài cho các văn võ sau khi đánh thắng giặc xâm lược.
Bên cạnh xoài thanh ca, xoài cát Hòa Lộc là xoài tượng. Xoài tượng trái dài và to hơn giống xoài trên, nhưng không được người dùng chuộng bằng. Chỉ mấy bà, mấy cô thích, nhất là mấy bà “ăn rở” hoặc dân nhậu thì mê không tưởng được. Dùng con dao bén, lạng ra một miếng mỏng bằng bàn tay, nhúng vô nước mắm đường thật đẫm rồi cho vào miệng nhai dòn dòn. Xuân Diệu viết: “Một trái xoài xanh, hai hàm răng trẻ. Cắn phập vô ai thấy cũng phải thèm” chính là xoài này.
Aên trái xoài đất phù sa sông Tiền, sông Hậu, tôi bỗng nhớ trái xoài miền Tây Bắc nước ta. Đây là một vùng rừng núi trùng trùng điệp điệp, bỗng nhiên xuất hiện một vườn xoài cả ngàn cây ở đất huyện Yên Châu thuộc địa phận Mộc Châu. Qủa xoài ở đây cũng chín vàng, thơm ngọt, nhưng chỉ to bằng trứng vịt xiêm. Các cô gái dân tộc Thái đã đan những chiếc lồng trúc nhỏ như lồng gà để đựng xoài bán. Nếu quả to, mỗi lồng năm sáu quả. Nếu quả bé đựng từ bảy đến mười quả. Có dịp, ta đi trên đường số 13A từ Yên Bái lên, qua bến phà Tạ Khoa là đến đất Yên Châu. Tại đây, ta sẽ gặp các cô gái Thái có nước da trắng như trứng gà bóc, đôi mắt dày những lông mi, đội chiếc khăn piêu, mặc váy hoa thêu rất cầu kỳ theo kiểu người Lào Sủng, ngồi bán xoài hai bên đường. Tại sao ở một nơi rét căm căm đầy khắc nghiệt như vậy mà lại trồng được xoài. Một cụ già người Thái nói: “Ngày trước, ở đây chỉ có cây muỗm chớ không có xoài. Một anh cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc có mang theo một hột xoài Nam Bộ, rồi lên Tây Bắc công tác, anh ương trồng ở đất Yên Châu này thử. Nào ngờ hột xoài chịu đất, nẩy mầm, mọc thành cây rất tươi tốt, rồi sau đó thì ra hoa, kết quả. Từ chỗ một cây rồi nhân ra năm mười cây, rồi thành vườn như ngày nay. Ở đây, đôi vợ chồng trước ngày cưới, vợ trồng một cây muỗm, chồng trồng một cây xoài. Phong tục đó, lúc đầu chỉ một vài gia đình, rồi sau lan dần, lan dần từ xã này sang xã khác, rồi khắp cả huyện Yên Châu.
Ăn một trái xoài ở bến bắc sông Tiền, sông Hậu mà chạnh nhớ quả xoài, quả muỗm ở phà Tạ Khoa trên tận Yên Châu kể cũng là một sự liên tưởng hơi “vòng vo tam quốc”!
Giống xoài quý thì quý nhưng không bằng sầu riêng. Mua sầu riêng, người bán tính chính xác từng trăm gờ ram một, tính tiền không mẻ đồng xu. Ai “ăn bao” thì tính giá khác, cao hơn một chút. Có mắc, nhưng được bảo đảm trái đều múi và ngon. Còn nếu mua về, sau khi ngả giá xong thì chủ hàng vui vẻ lấy lưỡi dao nhỏ và mỏng len vào khe hở trăng trắng, nạy nhẹ ra một chút để cho khách xem “lòng dạ” của quả rồi mới yên tâm. Còn khách nào tin vào sự sành sõi của mắt, mũi mình thì chỉ trả tiền là xong, không cần xem xét. Nhưng ai đó phải thật giàu kinh nghiệm kia, nếu không dễ bị lầm lắm. Gặp trái sượng hoặc ít múi thì tức ơi là tức. Tiền mất, tiếc đã đành, đáng buồn nhất là cả nhà đang háo hức bỗng... kém vui. Loại trái cây này quý và thiêng liêng đến kỳ lạ. Đến mùa, không nếm vài ba múi, cảm thấy mình bị “xúc phạm”, cảm thấy mình “yếu “quá. Nhiều người “ghiền “sầu riêng, cố dành dụm tiền từ năm trước để đến mùa thưởng thúc cho được thoải mái. Hương vị sầu riêng hết sức đặc biệt, mùi thơm đậm, bay rất xa, lâu tan trong không khí. Còn hàng chục mét mới tới nơi để sầu riêng, hương đã ngào ngạt xông vào cánh mũi ta rồi. Anh Mai Văn Tạo tả mùi hương dè xẻn của loại trái cây này như sau: “Không thể lấy hương vị nào so sánh, dù chỉ cái mức áng chừng. Sầu riêng thơm mùi thơm của mít chín, quyện với hương bưởi, lại hăng hắc cái mùi phô mát của Tây. Béo cái béo của trứng gà ta. Ngọt cái vị của mật ong già hạn. Hương vị quyến rũ đến lạ kỳ. Người đắm mùi, đêm nằm cách giỏ sầu riêng những mấy gian phòng đã đóng chặt cửa, hương ngát cứ len vào làm ta trăn trở...”.
Ở Nam Bộ, chỉ có miệt Lái Thiêu, Long Thành, Định Quán, Lộc Ninh và ở Bình Thủy (Long Tuyền-Hậu Giang) là có nhiều sầu riêng ngon. Sầu riêng treo bán bến phà mà ta nói đây chắc là sầu riêng Bình Thủy mang sang. Bình Thủy có nhiều danh lam thắng cảnh cổ kính, lại có cây trái ngon và nghe đâu con gái Bình Thủy cũng nổi tiếng đẹp người, đẹp nết. Sao mà có một vùng đất lại “toàn diện” đến như vậy? Ở Cái Mơn (Bến Tre) cũng có nhiều trái ngon, người hiền và đẹp.
Bánh kẹo đặc sản thì cũng đủ loại: kẹo chuối, kẹo dừa, kẹo đậu phộng, bánh tét, bánh bông lan, bánh bò, bánh lọt... Nhưng nhiều hơn hết là bánh phồng, còn gọi bánh sữa. Từng xếp hai chục, ba chục, năm chục cái, bọc ngoài miếng nilông mỏng trông cứ dẻo ngẹo, ươn ướt một lớp dầu thực vật không có vẻ gì công nghiệp hết. Xe dừng lại là các em gái đưa cả một cánh tay xếp đầy bánh phồng vào trong xe tha thiết mời. Em nào đôi mắt cũng đen lay láy, chờ đợi khách hỏi mua phần bánh của mình. Ừ, thì mua một xếp, hai xếp, ngon quá mà! Muốn ăn liền cũng được, hay chờ về nhà nướng qua, nhấm nháp với nước trà cũng vui miệng người đi xa về.
Chỉ có cơm cháo là khó biết quán nào ngon, quán nào dở. Bước đi một bước lại thấy quán ăn, quán uống. Khói bay là là từ những lò nướng thịt, nướng sườn, nướng tôm càng, quay chim... đầy màu sắc. Ai không đói cũng muốn “kéo ghế”, nhất là dịp lỡ chuyến phà. Miếng thịt nướng ở bến phà Mỹ Thuận, và phà Cần Thơ mới vàng và thơm làm sao!
Sau khi vượt một đoạn đường dài thấm mệt và đói, được ngồi trong cái quán lợp lá dừa nước, cô chủ quán trên dưới ba mươi, mập mạp, những ngón tay mup míp, đeo chiếc nhẫn mặt đá màu tim tím, cầm con dao yếm chặt làm tư con chim chàng nghịch hay ốc cao gì đó, rồi lẹ làng úp gọn cả con chim lên mặt dĩa cơm trắng đang nóng hôi hổi có điểm vài lá xà lách và mấy miếng dưa leo, thì hỏi làm sao từ chối cái câu “Mời hai chú ngồi dùng cơm quán cháu” được? Ở đây có gió từ mặt sông thổi lên, từ ruộng đồng thổi tới, ngồi nhai miếng thịt có hơi hấp tấp, vội vàng một chút, nhưng nó có cái gì thâm trầm hơn ngồi trong mấy cái nhà hàng chật chội, ngột ngạt hơi quạt máy và ánh đèn mờ ảo ở Chợ Lớn. Ngồi trên chiếc ghế nhựa hay trên chiếc ghế gỗ băng dài hơi lung lay một chút, ăn cơm với thịt chim đồng mềm và béo mà ngắm nhìn... lục bình trôi trên dòng sông Hậu, chốc chốc đưa mắt trộm nhìn cánh tay cô chủ quán có ba cái thẹo của dấu “trồng trái”hằn trong da thịt, tưởng mình là người hạnh phúc nhất ở bến sông này. Ở đây, khách ăn uống xong rồi đứng dậy đi ngay chớ ít ai la cà tán gẫu. Hai chiếc phà bắt buộc người ta không thể dây dưa dùng dằng được. Vậy mà cô chủ quán mời ai ăn đĩa cơm của mình cũng niềm nở, cũng tươi rói. Thiệt là giỏi. Mà liên tục từ sáng sớm cho tới tận chiều tối chớ có phải một giờ, một buổi đâu. Khách đi đường không quen, chỉ chờ đợi để qua một chuyến phà cũng đủ thấy ứ hơi rồi. Đằng này, người ta buôn bán lam lũ , cực nhọc ngày này sang ngày khác trong cái không khí náo nhiệt, ầm ầm, ì ì mà cứ coi như không. Trên đời, mỗi người một nghề thật!
Ở bến phà Mỹ Thuận, phía bên Vĩnh Long, có một chị ngồi bán cam suốt mười năm nay. Sau giải phóng tôi về thăm quê, cũng chờ phà lần đầu, ghé mua chị chục cam làm quà. Hồi ấy chị chừng hai mươi tuổi, người trắng trẻo, thon thả. Sau đó, lần nào đi ngang, tôi cũng ghé sạp chị mua cam. Rồi quen mặt, nhưng hai người không biết tên, biết họ gì hết. Chỉ tin nhau, nhờ chị lựa cho những trái cam đẹp nhất, ngọt nhất. Về Sài Gòn, cả nhà bổ cam ra ăn, đúng là cứ ngọt lừ đi. Mười lần cũng như chục, không lộn một trái chua, trái héo. Thế rồi trong bụng cứ tưởng cô bán cam trẻ trung như thuở nào. Nhưng thời gian hết sức khắc nghiệt. Chuyến đi công tác gần đây, tôi thấy chị ngồi vạch vú cho con bú, và một cháu chừng ba tuổi, ngồi cạnh đó gọi “má, má!” Thì ra chị đã có gia đình và không còn giữ nguyên cái tuổi cách đây mười năm. Nhưng vị ngọt của những trái cam của chị thì không thay đổi.
Ở bến phà Cần Thơ phía bên Bình Minh, có cha con ông mù ăn xin bằng những bài ca vọng cổ. Ông hát trước mi-crô pin hẳn hoi. Đứa con gái chừng 11-12 tuổi, mang chiếc loa và lon sữa bò đi trước. Ông ôm cây đàn ghi ta có gắn mi-crô theo sau. Giọng ấm, làn hơi dài, ngón đàn rất tươi và chắc nhịp, ông già mù diễn đạt rất hay những bài ca có nội dung tình cảm trai gái yêu nhau mà không lấy được nhau. Ở vùng sông nước Cửu Long có bốn bến phà lớn là phà Rạch Miễu, phà Mỹ Thuận, phà Cần Thơ và phà Vàm Cốâng. Cả bốn bến, khi này khi khác, đều có người hát rong. Người hát tân nhạc, người hát cổ nhạc. Mỗi người một vẻ, một hình dáng, một hoàn cảnh để dẫn đến ăn xin khác nhau. Nhưng chỉ có cha con ông già mù ở bến phà Cần Thơ là mang tính “nghệ sĩ” nhiều hơn cả. Hình như ông ca không chỉ vì tiền mà là cốt nói lên nỗi lòng của mình. Giọng ông tha thiết lắm. Những nếp nhăn trên da mặt ông khi căng, khi dùng như nhằm diễn tả nỗi niềm của người bất hạnh.
Các bản ca của ông thường mở đầu bằng những câu nói lối đến nao nao buồn, gởi gắm bao tâm sự:
Đờn cò lên trục kêu vang
Anh còn thương bạn, bạn khoan có chồng.
Muốn cho nhân ngãi đạo đồng,
Tới đây thương bạn như chồng bạn thương
Chiều nay anh sẽ hồi hương,
Xin em ở lại, đừng gầy duyên nơi nào...
Hoặc:
Đờn huyền hòa với đờn tranh
Em có chồng, phụ nghĩa anh, anh buồn.
Đờn tranh, dây xế, dây xang
Anh còn thương bạn, bạn khoan lấy chồng...
Nhìn cặp mắt người mù rất khó đoán được họ đang nghĩ những gì. Nhưng riêng người hát rong này, đôi mắt nói được đôi điều gì đó... Lạ lắm! Chỉ có trực tiếp nhìn vào mới thấu hiểu được, mới cảm nhận được. Còn ngôn ngữ văn chương rất khó lòng diễn đạt. Nhưng dù hiểu từ khía cạnh nào, ông vẫn là người hát rong, tiếng hát, ngón đàn của cha con ông là phương tiện để sinh nhai.
Một người có tuổi, thường ngồi câu cá bông lau, cá dứa ở bến sông này kể lại rằng: Ông già mù hát rong đó quê ở tận Cà Mau. Trong một đêm tối trời, ông lội ruộng thăm câu, ông cúi xuống, chẳng may bị đài câu bằng cây sậy đâm lọt tròng mắt phải. Do chạy chữa thế nào đó không cẩn thận, con mắt trái phát bịnh rồi cũng mù luôn. Năm ấy ông mới 19 tuổi. Nghe đâu trước đó, ông có hứa hôn với một cô gái trong làng, sắp đến ngày thành vợ thành chồng thì ông bị tai nạn. Sau khi ông mang tật nguyền thì chuyện tình duyên cũng tan vỡ luôn. Đứa cháu gái đi theo dẫn đường không phải là con ông mà là cháu ruột, gọi ông bằng cậu.
Ở bến phà, chuyện buồn tương tự chắc không nhiều. Nó chỉ nhằm điểm thêm cuộc sống phong phú, đa dạng. Bởi vì đi vô chuyện con người thì thật lắm thứ rắc rối, kể làm sao cho hết được. Hơn nữa, nơi bến đò, bến phà, hình như chẳng mấy ai chú ý đến số phận con người. Thời giờ hiếm hoi lắm, người ta đi qua rồi thôi, mấy ai dừng lại. Có người không bao giờ trở lại.
***
Giá trên đời này đừng chờ đợi cái gì hết, mong mỏi cái gì hết, muốn gì được nấy, cần cái gì có nấy thì buồn chán, đơn điệu biết bao nhiêu. Chẳng hạn như từ Sài Gòn về Cà Mau, cái thị xã cuối cùng của Tổ quốc, cách nhau 350 cây số, xe chạy một mạch, không dừng lại bến phà nào, không vượt qua cây cầu nào, chưa chắc đã hay. Nói như vậy có người rầy rà, thậm chí cho rằng “mát mát” nữa đằng khác. Nhưng nghĩ lại mà coi, mỗi lần xe qua cầu, ta có cảm giác khác thường lắm chớ. Xe đang chạy vo vo, bỗng nhiên chậm lại để leo vòng lên cầu rồi lại đổ từ từ xuống dốc. Cái cảm giác lâng lâng, thinh thích ấy chẳng những trẻ nhỏ khoái trá mà người lớn cũng rơn rơn trong lòng.
Một lần tôi quá giang chiếc xe du lịch của Sở Văn hóa thông tin tỉnh Minh Hải từ Sài Gòn về Cà Mau. Đây là dịp may hiếm có đối với tôi. Tôi nảy ra một việc làm là thử đếm xem từ Sài Gòn xuống Cà Mau, ta sẽ vượt qua bao nhiêu chiếc cầu và tên của từng cây cầu ấy. Mặc dầu có ý thức như vậy, nhưng nhiều đoạn đường xe phóng nhanh quá, nhiều tấm bảng ghi tên cầu do mưa nắng mờ hết cả chữ, cả số, thành ra không ghi lại kịp. Trên xe có một cô gái trẻ và đẹp, ngồi cạnh tôi nói:
Mắt em tỏ, để em đọc, anh ghi.
Nhưng xe chưa kịp tới bắc Mỹ Thuận, thì cô đã dựa đầu vào vai tôi, thở đều, ngủ tuốt. Tôi phải giương kính nhìn xa mà ghi chép một cách buồn tẻ. Mời bạn chịu khó đọc chơi cho vui tên một số chiếc cầu sắt, cầu xi măng nằm trên trục lộ chính từ Sài Gòn đi Cà Mau: cầu An Lạc, cầu Bình Điền, cầu Bến Lức, cầu Voi, cầu Tân An, cầu Tân Hương, cầu Bến Chùa, cầu Kinh Xáng, cầu Mỹ Quý, cầu Cai Lậy, cầu Bình Phú, cầu Bà Tồn, cầu Bà Đắc, cầu An Cư, cầu Thông Lưu, cầu Bà Phú, cầu Trà Lọt, cầu Mỹ Thiện, cầu Ông Vẻ, cầu Ông Hưng, cầu Mỹ Đức Tây, cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Cò, cầu Bà Lâm, cầu Rạch Chanh, cầu An Hữu, cầu Rạch Gồng, cầu Mỹ Hưng (qua phà Mỹ Thuận), cầu Cái Đôi, cầu Cái Cam, cầu Bình Lữ, cầu Đường Chùa, cầu Cây Me Nhỏ, cầu Lộc Hòa, cầu Phú An, cầu Ba Càng, cầu Mù U, cầu Rạch Múc, cầu Cái Vồn Lớn, cầu Cái Dầu (qua phà Hậu Giang), cầu Nhị Kiều, cầu Số 1, cầu Đầu Sấu, cầu Cái Răng, cầu Rạch Chiếc, cầu Đất Sét, cầu Rạch Nhum, cầu Nàng Mao, cầu Cái Đôi, cầu Phụng Hiệp, cầu Bà Rinh, cầu Trà Quýt, cầu Trà Cam, cầu Khánh Hưng, cầu Cần Đước, cầu Nhu Gia, cầu Lịch Trà, cầu Xẻo Tra, cầu Phú Lộc, cầu Xa Bảo, cầu Nàng Rền, cầu Cái Dầy, cầu Trà Kha, cầu Dần Xây, cầu Cái Tràm, cầu Hòa Bình, cầu Đìa Chuối, cầu số 2, cầu số 3, cầu Chệt Niêu, cầu Xóm Lung, cầu Láng Tròn, cầu Giá Rai, cầu Hộ Phòng, cầu Xi Son, cầu Cây Gừa, cầu Tắc Vân... Giá ai viết một cuốn sách nói về lai lịch của từng cây cầu nằm trên trục lộ đông vui này? Hay lắm chớ bộ!
Tại sao gọi là bà này bà kia, nàng này hay nàng khác, chắc nhiều tích lạ. Trên đường từ Cần Thơ về Long Xuyên, có cây cầu xi măng mang tên Thơm Rơm. Xúc cảm, chị Lê Giang làm bài thơ rất hay. Sau đó, nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc bài thơ này cũng hay không kém.
Cho nên qua phà, qua cầu có mất thời giờ một chút, nhưng nó bù lại cho ta nhiều thứ lắm. Ai biết “thu gom”, biết tận hưởng sẽ làm giàu cho cuộc sống tinh thần không ít. Qua phà là một cuộc du lịch trên sông không tốn tiền mà. Giả sử không có con phà Mỹ Thuận , phà Cần Thơ, dẫu ta có bỏ ra bạc trăm, bạc ngàn cũng khó lòng trôi nổi trên sông Tiền, sông Hậu cả tiếng đồng hồ để thả mắt ngắm nghía đôi bờ một cách phóng khoáng như vậy.
Nghe đâu Nhà nước đang rục rịch bắc hai chiếc cầu ở sông Tiền và sông Hậu. Chuyện đó xảy ra trước mắt hay trong tương lai, còn tùy thuộc vào nhiều lẽ. Nhưng dù mau hay chậm, nếu ta có hai cây cầu vượt qua đại trường giang của đôi nhánh Cửu Long ấy thì lúc bấy giờ, tôi dám chắc bà con ta lại nhớ chiếc phà cho mà coi. Mỗi lần chờ phà, nhìn người lên xuống, trong vui mắt lắm chớ. Gương mặt người nào cũng hao hao quen, chợt muốn hỏi, muốn gọi. Có biết bao nhiêu người nên vợ nên chồng bắt đầu từ hai bến phà này.

(trích từ Xứ sở phù sa,
NXB Cửu Long, 1986)

(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét