Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Đầu tư công chảy vào lợi ích riêng

Tại sao làm việc gì cũng bị ....lên án hết vậy trời ???

TT - Trong số những dự án đầu tư công khả thi về mặt kinh tế - xã hội đang thực hiện, nguyên nhân quan trọng nhất làm tăng mức độ đầu tư với hiệu quả thấp chính là chi phí bị đội lên nhiều lần từ khâu hoạch định, thẩm định, duyệt, chuẩn bị đến thực hiện đầu tư.
Những đặc quyền đặc lợi hình thành nên tam giác quan hệ giữa bộ ngành trung ương - chính quyền địa phương - doanh nghiệp nhà nước (DNNN) dẫn tới thực trạng không ai quan tâm đến việc tìm ra chi phí thật sự của một khoản đầu tư và không buộc các bên tham gia đầu tư phải chịu trách nhiệm giải trình.
Ở khía cạnh thứ nhất, cơ quan trung ương phải thuận theo đề xuất dự án của các tỉnh và cấp ngân sách cho triển khai dự án vì cấp lãnh đạo trung ương phải dựa nhiều vào sự ủng hộ chính trị của các tỉnh.
Ở khía cạnh thứ hai, các DNNN được làm chủ đầu tư hay trúng thầu thi công không dựa trên cơ sở cạnh tranh thật sự và thường nhận được vốn vay ngân hàng theo chỉ định của Chính phủ.
Ở khía cạnh thứ ba, các DNNN cần chính quyền địa phương hỗ trợ để được cấp đất và tiếp cận những tài nguyên dựa vào đất khác.
Không quốc gia nào có thể loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng chính trị ra khỏi đầu tư công nói chung, kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng. Vì vậy, chi phí đầu tư sẽ được kiểm soát tốt hơn nếu có thể trao quyền cho một cơ quan giám sát độc lập ở cấp trung ương, buộc các chủ đầu tư dự án phải có trách nhiệm giải trình.
Giải pháp thứ hai để kiểm soát chi phí đầu tư là áp đặt kỷ cương thị trường. Hiện nay, luôn có tâm lý không thật sự chấp nhận cạnh tranh trong đấu thầu. Cả cơ quan quản lý lẫn nhà đầu tư thường đề cập nhu cầu đẩy nhanh quy trình, đặc biệt với các dự án quy mô lớn, để tránh phải đấu thầu cạnh tranh. Khi phải triển khai đấu thầu thì hiện tượng phổ biến là một nhà thầu đưa tiền cho các nhà thầu khác để vẫn đấu thầu nhưng đấu giá cao và chịu thua.
Nhiều doanh nghiệp được phỏng vấn còn nói rằng có được thu nhập chính chỉ từ việc tham gia đấu thầu dự án và nhận phong bì. Vấn đề là quyết tâm chính trị để chống tham nhũng và thiết lập cơ quan có quyền lực giám sát và chế tài thật sự.
Xét về khâu triển khai dự án, đa số những gia tăng chi phí đầu tư xảy ra là do trì hoãn kéo dài trong thi công. Do cơ cấu đầu tư dàn trải, mỗi cơ quan đều tìm cách triển khai cho được dự án của mình. Động cơ ở đây là khởi động dự án bằng bất kỳ nguồn vốn nào có thể được phân bổ trước khi toàn bộ nguồn tài chính được đảm bảo. Kết quả là nhiều dự án bị ngưng giữa chừng do thiếu vốn.
Chính phủ đã ban hành quy định yêu cầu các dự án đầu tư công phải đảm bảo đầy đủ cam kết tài chính trước khi triển khai. Đây là bước đi rất đúng hướng, nhưng một lần nữa luật phải được thực thi. Những trì hoãn trong xây dựng và chi phí gia tăng cũng xảy ra do sự quản lý và giám sát yếu kém của các nhà thầu.
Gần đây, nhiều cơ quan chính phủ đã mạnh tay hủy hợp đồng với các nhà thầu không thực hiện đúng cam kết. Đây là biện pháp cần thiết khi trục trặc đã xảy ra nhưng cũng mang tính răn đe rất mạnh mẽ. Về lâu dài, việc đảm bảo lựa chọn nhà thầu có năng lực phải được hỗ trợ bằng một cơ sở dữ liệu công khai về lịch sử kết quả thực hiện của các nhà thầu trong nước cũng như quốc tế.
Làm được điều đó mới khắc phục tình trạng đường đắt mau hư!
NGUYỄN XUÂN THÀNH (giám đốc chính sách công, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright)

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Thoi-su-suy-nghi/490569/Dau-tu-cong-chay-vao-loi-ich-rieng.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét