Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

Vì sao người trẻ lui về?

(TBKTSG) - LTS: Tiếp theo bài viết “Khi người trẻ tính chuyện lui về” của Nguyễn Nguyên Thảo đăng trên TBKTSG ngày 15-9-2011, đề cập xu hướng “lui về, vui thú điền viên” ở nhiều người trẻ trong độ tuổi hai mươi, ba mươi, tuần này, TBKTSG tiếp tục giới thiệu tâm sự của một trong những người đã từng “nuôi” ý hướng này...
Trong bài viết “Khi người trẻ tính chuyện lui về”, tác giả Nguyễn Nguyên Thảo đã có những luận bàn về một xu hướng đang hiện hữu ngày một rõ ràng hơn trong một bộ phận không nhỏ những người trẻ chúng tôi. Tôi có những người bạn đã lui về. Họ là những người từng giữ những chức vụ cao trong các công ty toàn cầu, nhưng cuối cùng, họ đã bỏ lại hết và chọn cách sống “ẩn cư”. Người thì sang Indonesia tu trì chính niệm, người tìm đến những thiền viện heo hút ở Đà Lạt, Daklak... “Gặp nhau” qua những dòng e-mail, tôi được họ kể việc “đi tu” ra sao, có người còn bày tỏ cảm giác hạnh phúc khi đã “thoát ly hiện thực” thành công. Tuy nhiên, cũng nên bàn thêm về những nguyên nhân “bức” một số người trẻ lui về, và ảnh hưởng của xu hướng này đến những người trẻ khác.
Vì sao phải lui về?
Cách đây bốn năm, sau khi thất bại trong chuyện làm ăn, tôi gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và tinh thần đi xuống trầm trọng. Do chỉ là một anh chàng “tinh hoa ngoại tỉnh” (cách dùng từ của Đỗ Trung Quân), tôi thực sự không biết phải hành xử ra sao với tương lai của mình khi không còn vốn liếng, mất dần niềm tin để đứng dậy đi tiếp. Tôi đọc “Quy khứ lai từ” của Đào Tiềm và dự định sẽ lui về. Lui về đối với tôi trong thời điểm đó như thể là lối thoát duy nhất. Về quê, tôi sẽ dễ dàng tìm được một việc làm, có mảnh đất sau nhà để trồng rau hái cà, có không gian thoáng đãng để “xả hơi” đầu óc đã quá căng sau mười năm bon chen ở một vùng đất có quá nhiều sự cạnh tranh.
Nhưng tôi đã không lui về được. Có thể là do tôi không kiên định, cũng có thể vì tôi không muốn chôn vùi bao nhiêu năm vất vả (và mưu toan) để theo đuổi mục tiêu “công thành danh toại” của mình. Nhưng quan trọng nhất, tôi không thể ích kỷ chỉ vì mình mà “dứt áo”, bỏ mặc những người thân trong gia đình với nỗi lo sinh kế. Dù vậy, tôi có thể tạm giải thích những nguyên nhân khiến người trẻ lui về bằng vài trường hợp của bạn bè.
Phúc là một người có nhiều thứ mà người khác phấn đấu cả đời cũng chưa có được. Sau nhiều năm làm việc ở vị trí quản lý cao cấp ở một công ty tầm cỡ của Việt Nam về công nghệ thông tin, thay vì đầu quân vào một công ty nước ngoài, anh quyết định đi Úc sinh sống bằng việc hái nho và viết sách. Anh không còn muốn cứ phải xoay theo cái guồng máy nặng nề của cơ chế mà theo anh “không có người giỏi, chỉ có những nhân viên được cơ cấu sẵn”, hoặc phải đầu tắt mặt tối chạy theo những ông chủ người nước ngoài luôn muốn “ép xác” nhân viên người Việt. Tôi cho rằng anh quyết định lui về vì cảm thấy tài năng của mình không được trọng dụng. Một khi tài năng của người trẻ không được đánh giá đúng mức hoặc không được tạo điều kiện để phát triển nghề nghiệp lên một tầm cao mới, tâm lý bất mãn kéo dài dễ dẫn đến việc họ có những hành xử theo khuynh hướng rút lui.
Liên, trước khi về Việt Nam, là một nhân viên xuất sắc của một tập đoàn công nghệ ở Canada. Sau những cú sốc lớn trong đời sống tình cảm, anh tìm đến thiền, chính xác hơn là “đi tu” trong sự ngỡ ngàng của nhiều người, vì anh đã bỏ hết những thành công mà anh đã nhiều năm dài cày cục để kiến tạo. Nguyên nhân khiến Liên lui về không phải là áp lực của cuộc sống, cũng không phải là những bất mãn trong công việc, mà chính là do anh không vượt qua nổi chính mình.
Tôi còn gặp nhiều người trẻ khác cũng đang muốn lui về, vì nhiều nguyên do khác nhau, và có vẻ như tình trạng chưa dừng lại.
Lui về trong con mắt người ngoài cuộc
Tôi không dám phê phán sự lựa chọn này của bạn bè và những ai đang muốn theo xu hướng này. Nhưng không phải bất kỳ sự lui về nào cũng được hoạch định trước, chuẩn bị trước.
Tác giả Nguyễn Nguyên Thảo đã đúng khi nói: “... cứ để họ dìu nhau bay”, bởi những người ngoài cuộc khó mà thay đổi được chủ kiến của người trong cuộc. Và rất có thể chính những-người-không-còn-trẻ đã khiến những người trẻ thiếu sự vững tin để khơi dậy nhiệt huyết và đem tài năng đóng góp cho gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, tôi - một người giờ là “người ngoài cuộc”, thiển nghĩ, lui về không chắc là bạn sẽ thấy cuộc sống trở nên dễ dàng hơn. Số tiền tích cóp được liệu có đủ để trang trải trong suốt những năm tháng không thu nhập? Và để tiếp tục sống, có khi bạn lại phải ù về cái “ổ” cũ để xin đi làm lại, và có chấp nhận những ánh nhìn đối với một đứa “thoát ly” nửa mùa...
Lui về cũng không hẳn là bạn sẽ thoát ly được quá khứ của mình (với những hành động xấu xa hay tâm lý chán nản, cô độc...). Liệu bạn có thể “quên” việc “hết ngày dài lại đêm thâu” than thân trách phận hoặc giả là “ngày mai tôi sẽ...”? Và khi không xây dựng được “hình mẫu lui về” như khi bạn quyết định thoát ly, có thể bạn sẽ có cảm giác mình không còn là mình nữa mà là một chú hề vô lối, và trở nên căm ghét chính mình?
Đi tu, tụng kinh, cầu nguyện cũng không phải chuyện dễ ! Liệu bạn có tìm thấy sự bình an khi bỏ lại cha mẹ, gia đình, vợ con, các mối quan hệ cộng sinh khác?
Nếu bạn lui về không thành công, liệu việc trở lại cuộc sống như trước đó có còn dễ dàng hay bạn lại gặp sự khủng hoảng nặng nề hơn?
Bản thân sự lui về đã là việc khó thực hiện, nó càng khó đối với những người trẻ tuổi. Những người trong cuộc cần nhìn nhận vấn đề một cách sâu sắc và suy nghĩ kỹ khả năng thành công để làm sao đứng trước “thực tại lui về”, bạn không cảm thấy mệt mỏi hơn gấp nhiều lần so với trước khi bạn quyết định lui về.
-------------------------------------
(*) BI Marketing Strategy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét